Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, qua thực tiễn 5 năm triển khai và tổng kết, đánh giá kết quả thực tiễn việc thực hiện Quyết định 12/2018/QĐ-TTg của các bộ, ngành, địa phương đã khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, khẳng định vị trí, vai trò của Người có uy tín; kịp thời động viên, khích lệ Người có uy tín phát huy vai trò tích cực trên các lĩnh vực đời sống xã hội, có nhiều đóng góp thiết thực trong phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, việc triển khai thực hiện Quyết định 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập cần sớm được khắc phục như: về tiêu chí, điều kiện lựa chọn Người có uy tín; Người có uy tín chưa được hưởng một số chế độ chính sách; các quy định thủ tục hành chính công nhận và đưa ra khỏi danh sách Người có uy tín chưa phù hợp với thực tế; một số chế độ, chính sách đối với Người có uy tín còn bất cập, định mức chi thấp…
Từ thực tế triển khai và kết quả thực hiện, để kịp thời khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và thống nhất thực hiện chính sách đối với Người có uy tín thì việc sửa đổi, bổ sung Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS là rất cần thiết nhằm tiếp tục động viên, khích lệ Người có uy tín phát huy vai trò tích cực của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo đó, bố cục của Quyết định gồm 9 Điều: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng áp dụng; Nguyên tắc thực hiện; Tiêu chí lựa chọn Người có uy tín; Chế độ, chính sách đối với Người có uy tín; Kinh phí thực hiện; Tổ chức thực hiện; Điều khoản chuyển tiếp; Điều khoản thi hành. Trong đó bao gồm các nội dung chính sách phù hợp tiếp tục kế thừa Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chinh phủ và các nội dung cụ thể cần điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung.
Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn hiện nay; đồng thời thống nhất với các nội dung được đưa ra trong dự thảo Tờ trình. Một số đại biểu đã phát biểu ý kiến, làm rõ hơn về các nội dung: quy định bình xét Người có uy tín; quy định trách nhiệm của Người có uy tín; phân cấp, phân quyền và quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của các địa phương trong thực hiện Quyết định; quy định về hỗ trợ hàng tháng cho Người có uy tín…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Vinh Tơr đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung dự thảo Tờ trình của Ban soạn thảo cũng như những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại phiên họp. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Vinh Tơr đề nghị Vụ Dân tộc thiểu số - cơ quan thường trực của UBDT trong Tổ soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Tờ trình.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Vinh Tơr đề nghị Tổ soạn thảo cần nghiên cứu mở rộng thêm nội hàm của quyết định mới; nghiên cứu lại các thuật ngữ, phạm vi, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn; nghiên cứu bổ sung thêm chế độ bảo hiểm y tế cho đội ngũ Người có uy tín…
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Vinh Tơr mong muốn các thành viên trong Tổ soạn thảo tiếp tục thể hiện trách nhiệm của mình gắn với thực tiễn để có những ý kiến, kiến nghị đề xuất giúp cơ quan soạn thảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao; giúp các địa phương thực hiện nhiệm vụ dễ dàng khi Quyết định được ban hành.