Chợ đầu mối Vĩnh Tường ở thị trấn Thổ TangTừ lâu đời, làng Thổ Tang đã có truyền thống về kinh doanh thương mại, dịch vụ. Có nhiều câu chuyện được lưu truyền về tính nhanh nhạy của người dân Thổ Tang trong kinh doanh. Khi giải phóng miền Nam, người dân Thổ Tang nhanh chóng có mặt tại Sài Gòn bán cờ, ảnh để chào mừng chiến thắng. Năm 1999, miền Trung bị lụt lớn, người dân Thổ Tang nhanh chóng đưa rau xanh, mì tôm vào bán.
Dự án Thủy điện Sơn La vừa có quyết định triển khai, thì 500 người Thổ Tang đã có mặt để cung cấp lương thực, nông sản, hàng hóa phục vụ công nhân. Dự án Thủy điện Na Hang (Tuyên Quang) mới động thổ, 40 hộ dân Thổ Tang đã nhanh nhẹn chuyển đến, góp mặt họp chợ.
Nắm bắt nhu cầu người dân vùng cao, hàng trăm hộ dân Thổ Tang đầu tư mua xe tải lớn, mở chợ lưu động ở những xã vùng sâu, hẻo lánh ở Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang. Ngay cả trong thời kỳ bị "ngăn sông cấm chợ", người dân Thổ Tang vẫn tìm được cách để kinh doanh, buôn bán hiệu quả.
Nhờ uy tín trong làm ăn, Thổ Tang trở thành địa bàn trung chuyển hàng hóa lớn của miền Bắc. Hàng hóa được thu gom, tập kết từ nhiều tỉnh, thành phố, sau đó được phân phối, vận chuyển, hình thành nên mạng lưới kinh doanh rộng khắp. Người dân thị trấn kinh doanh đủ mọi loại hàng hóa, từ xe đạp trẻ em, chăn ga gối đệm, hàng may mặc, giày dép, tạp hóa, cho đến máy móc nông nghiệp, thiết bị điện, nông sản, đồ gia dụng.
Hoạt động thương mại, kinh doanh, dịch vụ diễn ra sôi động cả ngày lẫn đêm. Những ngày giáp Tết, các tuyến đường đi qua thị trấn thường xuyên bị kẹt xe do quá tải. Mặc dù thị trấn đã được mở rộng lên 8,6 km2 nhưng vẫn quá chật chội so với quy mô sản xuất, kinh doanh.
Ngày nay, người dân Thổ Tang đang phát huy tốt "bản năng" kinh doanh, buôn bán, xây dựng thị trấn ngày càng trù phú. Hoạt động dịch vụ thương mại còn gắn với phát triển công nghiệp, đô thị, logistics và địa bàn ngày càng trải rộng. Bắt nhịp với thị trường, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh xây dựng trang web để quảng bá giới thiệu sản phẩm, tăng cường bán hàng online.
Hầu hết gia đình ở Thổ Tang vẫn duy trì truyền thống kinh doanh thương mại. Gia đình ông Thân Văn Niên có một cửa hàng lớn với thương hiệu Công ty TNHH Hoàng Giang. Ông Niên chia sẻ: "Nghề này phải chịu thương, chịu khó, phải chăm sóc khách hàng rất kỹ. Nhà tôi có ba đời theo nghề kinh doanh. Hầu hết con em thị trấn học xong đại học lại quay về theo nghề kinh doanh truyền thống của gia đình".
Gia đình ông Thân Văn Niên có 3 đời theo nghề kinh doanhKhông chỉ làm dịch vụ, người Thổ Tang còn giỏi về chế biến nông sản và sản xuất một số loại hàng hóa như tôn, thép định hình, bộ đồ ăn dùng một lần, túi ni-lông, đồ kim khí. Nhiều doanh nghiệp cơ sở chế biến nông sản được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, có thể chế biến 700-800 tấn thóc mỗi ngày và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 người.
Thổ Tang đã trở thành điểm trung chuyển hàng hóa có uy tín lớn, đa dạng về chủng loại hàng hóa và phương thức kinh doanh. Lượng hàng hóa trực tiếp xuất nhập khẩu rất lớn. theo lãnh đạo thị trấn cho biết: Thổ Tang hiện có gần 3.000 hộ kinh doanh cá thể và 280 doanh nghiệp.
Chợ Giang rộng gần 2ha, có gần 1.400 hộ đăng ký bán hàng thường xuyên. Chợ họp quanh năm, số giờ họp chợ trung bình lên đến 20 giờ mỗi ngày. Việc xây dựng uy tín kinh doanh được các gia đình rất coi trọng. Cán bộ thị trấn và người dân khẳng định, có thể có hàng kém chất lượng, nhưng không có chuyện người dân sản xuất hàng giả.
Tuy nhiên, hạ tầng thương mại, giao thông, hạ tầng xã hội và y tế chưa đáp ứng được nhu cầu của hơn 25.000 người dân thị trấn và hàng chục nghìn đối tác khách hàng. Nhu cầu kho bãi rất lớn trong khi diện tích đất chật hẹp, giá thuê mặt bằng cao.
Để xây dựng thị trấn Thổ Tang thành trung tâm thương mại cấp khu vực, cán bộ và người dân thị trấn mong muốn, chính quyền các cấp sớm có giải pháp về đất đai, mặt bằng, kho bãi, xây dựng cảng logistics để tạo ra chuỗi cung ứng tích hợp, mở rộng thị trường.
Cấp có thẩm quyền cần sớm tháo gỡ khó khăn liên quan đến Chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường, nhất là đất ở, đất thương mại, dịch vụ, đất kinh doanh và hệ thống kho bãi chứa hàng hóa. Người dân Thổ Tang cũng mong muốn, Nhà nước đầu tư xây dựng mới chợ Giang và Cụm công nghiệp Thổ Tang, Cụm công nghiệp làng nghề rắn Vĩnh Sơn.
Năm 2024, tổng giá trị sản xuất của thị trấn Thổ Tang đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt hơn 11%; thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay, đạt 124 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 82,5 triệu đồng. Lĩnh vực thương mại-dịch vụ chiếm hơn 80% trong cơ cấu kinh tế của thị trấn.