Theo trang thống kê thống kê trực tuyến worldometers.info, châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, với 171.969.210 ca nhiễm, trong đó có 1.756.402 ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với 133.485.085 ca nhiễm và 1.386.779 ca tử vong. Bắc Mỹ ghi nhận 96.114.620 ca nhiễm và 1.433.397 ca tử vong; Nam Mỹ có 55.742.211 ca nhiễm và 1.272.651 ca tử vong; châu Phi có 11.660.325 ca nhiễm bệnh và 252.073 ca tử vong. Châu Đại Dương ghi nhận 4.775. 854 ca lây nhiễm và 8.521 ca tử vong.
Hết ngày 22/3, châu Âu ghi nhận 843.517 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó 1.998 ca tử vong vì dịch bệnh. Pháp, Anh, Đức là các quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm COVID-19. Hiện Pháp ghi nhận 24.342.116 ca nhiễm bệnh và 141.218 ca tử vong; Anh có 20.413.731 ca nhiễm và 163.929 ca tử vong. Đức ghi nhận 19.134.583 ca lây nhiễm, trong đó 127.865 ca tử vong vì COVID-19. Tại Pháp, số ca mắc mới đã tăng hơn 33% trong một tuần kể từ khi chính phủ nước này dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch ngày 14/3 vừa qua. Tại Đức, dù số ca mắc mới mỗi ngày ở mức cao kỷ lục với gần 300.000 ca ngày 18/3, Quốc hội nước này vẫn thông qua quyết định cho phép bãi bỏ hầu hết các hạn chế trên cả nước theo đúng thời hạn vào ngày 20/3. Tuy nhiên, hầu hết các bang của Đức vẫn duy trì các hạn chế phòng dịch này.
Trong 24 giờ qua, châu Á ghi nhận thêm 494.447 ca mắc mới và 1.222 trường hợp tử vong mới vì đại dịch. Trong ngày qua, Hàn Quốc vẫn là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong mới nhiều nhất châu Á. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 353.725 ca nhiễm, trong đó 384 ca tử vong. Từ đầu dịch đến nay, số ca mắc COVID-19 của Hàn Quốc gần chạm mốc 10 triệu ca. Số ca nhiễm mới gia tăng cũng đã kéo theo số bệnh nhân tử vong và trở nặng tăng mạnh. Hiện cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) đã nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất.
Tại Nhật Bản, chính phủ đã chính thức dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID-19 trọng điểm trên toàn quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 9/1 năm nay, không có địa phương nào ở Nhật Bản phải áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Song song với đó, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ nới lỏng dần các biện pháp hạn chế nhằm bình thường hóa các hoạt động kinh tế-xã hội, đồng thời củng cố hệ thống y tế, tăng cường năng lực xét nghiệm và dự trữ thuốc để chuẩn bị đối phó với các làn sóng lây nhiễm khác trong tương lai
Tại Bắc Mỹ, khu vực này ghi nhận có thêm 16.368 ca nhiễm COVID-19 mới và 547 ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua. Các nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch tại khu vực bao gồm: Mỹ, Mexico, Canada, Cuba, Costa Rica, Guatemala, Panama…
Tại Nam Mỹ, các quốc gia Brazil, Argentina, Colombia, Peru, Chile… lần lượt đứng đầu khu vực vì mức độ ảnh hưởng của đại dịch COVID19. Brazil hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bới dịch bệnh tại khu vực và thứ 3 thế giới. Tính đến nay, quốc gia này ghi nhận có 29.682.615 ca nhiễm, trong đó 657.696 ca tử vong vì COVID-19.
Châu Đại dương ghi nhận có thêm 74.709 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó 41 ca tử vong vì dịch bệnh trong 24 giờ qua. Australia, New Zealand và French Polynesia vẫn đang dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tại châu Phi, Nam Phi tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại châu lục. Nước này ghi nhận có 3.704.784 ca nhiễm COVID-19, trong đó 99.890 ca tử vong vì dịch bệnh. Xếp sau Nam Phi về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 bao gồm Morocco, Tunisia, Libya, Ai Cập, Ethiopia.../.