Ngày 23/2, tại Thanh Hóa, ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện tại hộ gia đình ông Lê Văn Thanh, thôn Tân Ngữ, xã Định Long, huyện Yên Định với đàn lợn 48 con. Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chỉ đạo huyện Yên Định tiêu hủy 226 con lợn tại địa phương này vào chiều 24/2 để tránh lây lan ra diện rộng.
Theo ông Lê Văn Thanh và một số hộ chăn nuôi tại địa bàn xã Định Long cho biết: tại địa phương có nhiều gia đình nuôi lợn, thương lái thường từ các nơi khác về thu mua nên có thể đây là nguyên nhân lây nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại huyện Yên Định.
Để khoanh vùng và tránh dịch lây lan, tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời cấp cho huyện Yên Định 800 lít hóa chất, 1 tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng; cấp 200 bộ bảo hộ phòng chống dịch, 10 bình động cơ phun tiêu độc, khử trùng.
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: địa phương đang nỗ lực hết mình để khống chế, hạn chế tối đa lây lan ra diện rộng. Trong đó, đẩy mạnh công tác thông tin tình hình, diễn biến nguy hiểm của dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền trên loa phát thanh ở những nơi khoanh vùng dịch; siết chặt quản lý việc kiểm soát giết mổ và tiêu thụ thịt lợn. Đặc biệt, tại huyện Yên Định nơi xuất hiện dịch bệnh phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch như duy trì lập chốt ngăn chặn việc đưa lợn, thức ăn, các nguồn gây lây nhiễm qua lại địa bàn những nơi đã có dịch.
Nhằm giúp Thanh Hóa khống chế dịch bệnh lây lan, chiều 25/2, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn, đã có chuyến kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại huyện Yên Định. Qua đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã nhấn mạnh, Thanh Hóa là cửa ngõ nối miền Trung với miền Bắc, nếu để dịch bệnh lan rộng, sẽ ảnh hưởng đến nhiều vùng của cả nước.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý, ngoài phun thuốc khử trùng, tỉnh cũng cần phải có phương án cách ly, thậm chí cách ly tạm thời từng người ra vào tại các thôn, các vùng có dịch. Chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh cũng lưu ý ngăn chặn, không để người dân bán chạy lợn khi có biểu hiện bệnh. Khi phát hiện có dịch, phải tìm cách khoanh vùng, khống chế sự lây lan. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đồng ý với kiến nghị của Thanh Hóa về việc hỗ trợ tỉnh hóa chất tiêu độc, khử trùng.
Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), đến nay đã có 20 quốc gia báo cáo có bệnh dịch tả lợn châu Phi và các nước đã phải tiêu hủy trên 1,08 triệu con lợn. Tại Trung Quốc, theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) từ ngày 03/8/2018 đến ngày 01/02/2019, có 105 ổ dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam) và đã phải tiêu hủy trên 950 nghìn con lợn các loại.
Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, bệnh chưa có vắc xin để phòng; bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi lợn với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.
QUỲNH TRÂM