Có thể nói, thời gian vừa qua, Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc cải cách hành chính. Theo đó, các bộ ngành đã cắt giảm điều kiện kinh doanh trên 54%, vượt mức chỉ tiêu được giao. Các bộ cũng đã cắt giảm hoặc đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành được trên 68% số dòng hàng, vượt trên 36% so với chỉ tiêu. Chỉ riêng hai lĩnh vực này đã tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp.
Thế nhưng, “chiếc xe” cải cách hành trình” dù được hiện đại hóa, tối tân hóa đến đâu cũng sẽ lăn bánh chậm nếu như trên đường đi có nhiều vật cản nhỏ sắc nhọn, khó lường. Đó chính là nạn tham nhũng vặt.
Thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng này thường xuất hiện ở các đơn vị cấp dưới, ở những con người cụ thể và thực hiện trực tiếp. Nhận thức được điều đó, chúng ta cần tập trung các giải pháp vào những đối tượng này.
Giải pháp ở đây cần nhìn nhận một cách thấu đáo, đa chiều. Nghĩa là, trước hết để những cán bộ trực tiếp thực hiện không còn tham nhũng vặt, trước hết chúng ta cần đảm bảo cuộc sống của họ. Những khoản thu nhập như phụ cấp, dưỡng liêm… cần được cân đối ở mức hợp lý đồng thời phải công khai, minh bạch hóa.
Bên cạnh việc chăm sóc, bồi dưỡng cán bộ, chúng ta cũng cần tăng cường các biện pháp xử phạt nghiêm minh. Theo đó, chúng ta cần tạo ra một cơ chế giám sát, phản biện đa chiều từ các cơ quan quản lý nhà nước đến sự giám sát của người dân. Khi phát hiện các hiện tượng tham nhũng vặt, cơ quan chức năng cần phải có chế xử lý đủ mạnh đủ sức răn đe trong xã hội và thay đổi định kiến về nạn tham nhũng lâu nay.
KẺ SĨ