Điều 187 Bộ Luật lao động quy định, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là 60 với nam và 55 với nữ. Mới đây, theo đề xuất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, từ 1/1/2021, mỗi năm tuổi nghỉ hưu của nam và nữ tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi.
Dự kiến, phương án này sẽ được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình Chính phủ trong năm nay.
Nguyễn Ngọc Linh, sinh viên năm cuối trường đại học Thương Mại cho biết, bạn khá lo lắng về cơ hội việc làm nếu tăng độ tuổi nghỉ hưu: “Em đang rất muốn tìm việc làm. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, em cảm thấy lo lắng vì cơ hội việc làm của mình ít đi. Vì bất kỳ công việc nào thì đầu tiên phải cần có kinh nghiệm. Em mới ra trường không có kinh nghiệm và cần người có kinh nghiệm truyền lại cho chúng em. Nhưng khi những người có kinh nghiệm cứ giữ mãi vị trí của họ thì cơ hội đối với người trẻ giảm đi rất nhiều”.
Đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với cả nam và nữ, bà Vũ Thị Kim Sao, cán bộ phụ trách nhân sự, Tập đoàn Hoa Sao cho rằng: “Nhìn nhận một cách khách quan thì đây là lợi ích đối với doanh nghiệp, đó là không phải tuyển mới và bổ sung thêm về mặt nhân sự. Nếu như đảm bảo và duy trì ổn định về mặt nhân sự sẽ giảm được gánh nặng cho phía doanh nghiệp. Công việc đặc thù bên tôi là hỗ trợ khách hàng mảng dịch vụ, vì thế nhân sự càng làm lâu thì càng có kinh nghiệm, có kỹ năng xử lý tốt hơn. Đây là một lợi thế chứ không phải bất lợi, bởi không đòi hỏi cao về sức lực mà chủ yếu làm văn phòng. Tôi cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu cho người lao động là hợp lý”.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tăng tuổi nghỉ hưu là một giải pháp đảm bảo cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Bởi, nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định hiện nay về mức đóng – hưởng, thời gian đóng – hưởng, Quỹ hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối trong dài hạn.
Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế, từ năm 2023, hai quỹ này sẽ rơi vào trạng thái thu không đủ bù chi trong năm, mà phải bắt đầu trích phần quỹ kết dư để chi trả. Từ năm 2034, phần quỹ kết dư được chi trả hết, Nhà nước phải bố trí ngân sách để cấp bù. Do đó, đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu là phương án nhằm cân bằng giữa thời gian đóng, mức đóng và thời gian hưởng, mức hưởng.
PGS-TS Nguyễn Hiền Phương, chuyên gia về Luật lao động cho rằng, từ năm 1961 đến nay, Việt Nam vẫn giữ quy định về độ tuổi nghỉ hưu là nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi, trong khi tuổi thọ tăng lên khá nhiều và chưa có sự điều chỉnh. Hiện Việt Nam đang có mức hưởng lương hưu cao nhất thế giới với 75% mức lương bình quân thời gian đóng. Mức hưởng này cộng với thời gian hưởng dài thì sẽ ảnh hưởng đến quỹ hưu trí. Nếu giảm mức hưởng thì không phù hợp vì Việt Nam đóng BHXH trên nền lương thấp. Vì vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu là tính đến sự an toàn của Quỹ Hưu trí. Nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 67 để ứng phó với xu hướng già hóa dân số và thiếu hụt lao động. Vì thế, việc tăng tuổi nghỉ hưu ở nước ta cũng cần theo xu hướng này.
Tuy nhiên, theo khảo sát, có 90% người lao động trong khu công nghiệp, lao động phổ thông không đồng ý với việc tăng tuổi nghỉ hưu. Phần lớn ý kiến đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu thuộc bộ phận làm việc trong các cơ quan nhà nước, những người làm công tác nghiên cứu.
Bà Nguyễn Hiền Phương cũng cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết nhưng cần tính đến những phương án phù hợp với các đối tượng khác nhau: “Quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu không có nghĩa là đổ đồng và cào bằng. Với cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng có một giải pháp, đó là mình tăng ở mức có thể chấp nhận được như bây giờ. Song chúng ta phải đảm bảo quyền nghỉ hưu cho người lao động. Có nghĩa là đối với những người lao động có sức khỏe yếu, suy giảm khả năng lao động, làm việc trong khu vực nặng nhọc, độc hại trong một số ngành nghề đặc biệt phải đảm bảo cho họ có quyền được nghỉ sớm từ một đến 5 tuổi tùy từng nhóm đối tượng”./.
THEO VOV