Trong suốt 105 năm qua, các thế lực thù địch, phản động đã không ngừng chống phá, xuyên tạc thành quả cách mạng vĩ đại này và chúng sẽ tiếp tục hành xử như vậy. Lý do rất hiển nhiên: vì Cách mạng tháng Mười Nga đã mở đầu thời đại mới, mở ra con đường giải phóng và phát triển cho nhân dân lao động khắp năm châu!
1. Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đã chấm dứt thời đại độc tôn của chủ nghĩa tư bản trong nền kinh tế và chính trị thế giới, mở ra kỷ nguyên mới của giải phóng và phát triển.
Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản bộc lộ rõ rệt nhất những hạn chế không thể vượt qua. Nền văn minh vật chất sung mãn do chủ nghĩa tư bản tạo ra đã được xây dựng bằng nước mắt và máu của quần chúng lao động khắp toàn cầu; sự phồn vinh của quốc gia, dân tộc, giai cấp, tầng lớp người này phải được đánh đổi bằng sự bần cùng hoá của nhiều quốc gia, dân tộc, giai cấp, tầng lớp khác; sự hưng thịnh của một nhóm siêu cường phải được đánh đổi bằng hàng loạt cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc, biến hàng trăm quốc gia Á, Phi, Mỹ La tinh thành hệ thống thuộc địa đáng hổ thẹn của chủ nghĩa thực dân...
Như kết tinh của mọi tư tưởng giải phóng và phát triển tiến bộ của thời đại, Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 nổ ra, đáp ứng đầy đủ nhất những yêu cầu bức bách của lịch sử là xoá bỏ chế độ tư bản chủ nghĩa, gắn mục tiêu phát triển và tiến bộ xã hội với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng lao động và giải phóng con người.
2. Từ chiếc nôi nước Nga và Liên Xô, cách mạng vô sản và chế độ xã hội chủ nghĩa đã được tiến hành thắng lợi ở nhiều không gian địa chính trị trọng yếu; chủ nghĩa xã hội trở thành một hệ thống thế giới, đối trọng hữu hiệu trên nhiều lĩnh vực với hệ thống tư bản chủ nghĩa.
Dưới ánh sáng của ngọn hải đăng Tháng Mười Nga, quần chúng lao động và các lực lượng cách mạng khác đã xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở 15 quốc gia thuộc châu Âu, châu Á và cả ở châu Mỹ; cộng với nhiều quốc gia định hướng xã hội chủ nghĩa ở Á, Phi và Mỹ La tinh. Cách mạng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa xã hội đã thực sự là lực lượng mở ra và thực thi mục tiêu giải phóng và phát triển cho nhân loại trong những thập kỷ sôi sục đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc và đấu tranh xã hội. Những kỷ nguyên độc tôn của chủ nghĩa tư bản đã thật sự chấm dứt, buộc họ phải biết cách chung sống hòa bình với chủ nghĩa xã hội. Hiểu theo nghĩa đó, chủ nghĩa xã hội đúng là một trong những nhân tố quyết định xu hướng vận động của thế giới trong thế kỷ XX. Các thế lực thù địch, phản động không ngừng mơ tưởng về sự hồi sinh của tư bản và, bởi vậy, chúng sẽ còn điên cuồng chống phá con đường tháng Mười Nga trong bối cảnh mới của thế giới ngày nay!
3. Cách mạng tháng Mười Nga đã mở ra và tạo động lực mạnh mẽ cho phong trào giải phóng dân tộc trong thời đại mới, thời đại của cách mạng chống đế quốc.
Theo con đường của ngọn hải đăng Tháng Mười Nga, các dân tộc trên thế giới đã vùng lên giải phóng khỏi các chế độ quân chủ, phát xít, thực dân, đế quốc; xác lập nền cộng hòa với chủ quyền đối nội, đối ngoại không thể bác bỏ; xây dựng chế độ xã hội mới do người lao động làm chủ. Dưới sức công phá của dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới do Cách mạng tháng Mười Nga mở ra, hệ thống thuộc địa do chủ nghĩa thực dân đế quốc thiết lập trong suốt 5 thế kỷ từ 1492, đã hoàn toàn sụp đổ trong vòng chưa đầy 5 thập kỷ, từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đến cuối thế kỷ XX! Bản đồ chính trị của thế giới hiện đại đã được vẽ lại, với sắc đỏ ngày càng rộng mở như hệ quả tất yếu từ ngọn lửa Cách mạng tháng Mười Nga. Các thế lực phản động, thù địch càng hoài niệm bao nhiêu về cái thời mặt trời không bao giờ lặn trên lãnh thổ thuộc địa mênh mông của chúng, thì càng điên cuồng bấy nhiêu trong công kích, xuyên tạc vai trò, ý nghĩa lịch sử của bản hùng ca Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917!
4. Động lực và cảm hứng từ Cách mạng tháng Mười Nga tiếp tục tạo nên xu hướng phê phán, phủ định và thay thế chủ nghĩa tư bản bằng một chế độ xã hội tiến bộ hơn trong bối cảnh thế giới ngày nay. Thế kỷ XXI đặt ra nội dung và yêu cầu mới cho mục tiêu phát triển. Đó là sự phát triển trong hoà bình và tự do; phát triển hài hoà giữa vật chất và tinh thần; phát triển trong công bằng và dân chủ; phát triển bền vững và nhân văn; sự phát triển của mỗi người, mỗi nhóm xã hội, mỗi giai cấp, tập đoàn, mỗi quốc gia, dân tộc phải là điều kiện tích cực cho sự phát triển của những người khác và toàn bộ loài người. Mục tiêu phát triển hiện đại tự nó đặt ra yêu cầu tiếp tục giải phóng, giải phóng triệt để hơn khỏi con đường và chế độ tư bản chủ nghĩa trong mọi biến thái khác nhau của chúng.
Ngay từ chính các trung tâm tư bản chủ nghĩa đã không ngừng cất lên biết bao lời cảnh tỉnh, phê phán rằng chủ nghĩa tư bản là “một thế giới không thể chấp nhận được” (René Dumond), nó “chứa đựng nhiều vết loét không thể cứu chữa” (Henry Kissinger), nó sẽ rơi vào “cuộc khủng hoảng toàn cầu” (George Soros), vì vậy, loài người sẽ phải vận động đến “làn sóng văn minh thứ ba” (Alvin Toffler), đến một “xã hội hậu tư bản” (Peter Drucker)... Chủ nghĩa tư bản, dưới hình thức hiện đại nhất của nó là chủ nghĩa tự do mới, đã bị phê phán quyết liệt ngay từ bên trong và ở quy mô toàn cầu. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản và khuynh hướng xây dựng một xã hội khác thay thế, bắt đầu từ Cách mạng tháng Mười Nga cách đây 105 năm, đang và tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời đại ngày nay.
5. Kiên định theo con đường và phát huy bài học sáng tạo của Cách mạng tháng Mười Nga, chủ nghĩa xã hội chứng minh sức sống và tính ưu việt của mình thông qua quá trình cải cách, đổi mới và phát triển.
Từ cuối thế kỷ XX đến nay, các nước xã hội chủ nghĩa và các lực lượng cộng sản thế giới chủ động đổi mới tư duy và cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội trên mọi lĩnh vực. Những nguyên lý và các giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin được nhận thức đầy đủ hơn; những kinh nghiệm thành công và những hạn chế, vấp váp của chủ nghĩa xã hội được xác định một cách chân thực hơn; những xu thế vận động của thế giới hiện đại được lĩnh hội kịp thời, khách quan hơn. Nhờ vậy, các quốc gia xã hội chủ nghĩa đã sớm khắc phục được khủng hoảng, ra khỏi tình trạnh chậm phát triển và đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Chủ nghĩa xã hội hiện nay vẫn là một lực lượng chính trị, quân sự, kinh tế, tinh thần không thế lực nào có thể bỏ qua trong những tính toán chiến lược toàn cầu. Chính vì chân lý sáng tỏ này, mà nhiều trí tuệ lớn như Jacques Derrida, Noam Chomsky, Joseph Stiglizt, Alexander Zinoviev…, giống như Albert Enstein, Paul Satre, Bertral Roussel…, trước kia, đều biểu thị sự đồng tình không che giấu với chủ nghĩa cộng sản, công khai đánh giá Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 là sự kiện vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới hiện đại./.