Thời gian qua, tỉnh Lào Cai luôn được Trung ương đánh giá là địa phương đi đầu trong chủ động triển khai, sớm ban hành điều chỉnh các cơ chế, chính sách văn bản quy định quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).
Năm 2023, mặc dù là năm thứ hai chính thức được giao vốn triển khai thực hiện các chương trình trong điều kiện các quy định pháp lý, văn bản hướng dẫn của Trung ương còn chưa đầy đủ, tình hình phát triển kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, nhưng hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch giao. Các Chương trình MTQG đã góp phần tạo sinh kế giúp đồng bào các dân tộc Lào Cai giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 của Lào Cai giảm 4,43%, vượt gần 11% kế hoạch; riêng 10 xã nghèo nhất tỉnh tỷ lệ giảm 10,41%; thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh đạt 95 triệu đồng/năm.
Giai đoạn 2021 - 2025, Lào Cai triển khai 3 Chương trình MTQG, đó là: Chương trình MTQG 1719, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, với tổng nguồn lực dự kiến trên 11.000 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Lào Cai dự kiến bố trí 2.354 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2023, tổng nguồn vốn huy động thực hiện các chương trình này trên địa bàn tỉnh Lào Cai là trên 3.574 tỷ đồng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lào Cai, công tác giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương tính đến 31/12/2023 được gần 90% vốn Trung ương giao (xếp thứ 17/63 tỉnh), đến hết 31/01/2024 đạt 95,8% kế hoạch, đạt chỉ tiêu Trung ương giao (95%).
Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh: Để triển khai các Chương trình MTQG năm 2024 đạt hiệu quả, các địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện các Chương trình MTQG ngay từ đầu năm; đồng thời tập trung dồn toàn lực cho các nội dung liên quan đến bảo đảm an sinh xã hội cho người dân thuộc vùng dự án, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, chú trọng đặc biệt vào các dự án, phần việc hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, hỗ trợ liên kết sản xuất, mô hình giảm nghèo, sinh kế... để nâng cao đời sống, bảo đảm phát triển bền vững cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Các đơn vị, địa phương chỉ đạo, kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể, nhất là các dự án khởi công mới; kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng quy hoạch, mục tiêu đã được duyệt, bảo đảm hiệu quả đầu tư và kết quả đầu ra của từng dự án; nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; lựa chọn các tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực thực sự, khắc phục tình trạng điều chỉnh dự án khi đang triển khai, gây mất thời gian và làm chậm tiến độ giải ngân vốn...