Huy động sự 'vào cuộc" của cả hệ thống chính trị
Là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, trước đây tình trạng tảo hôn ở huyện Quỳ Châu cũng xảy ra khá phổ biến. Hệ lụy từ tảo hôn và hôn nhân cận huyết khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống. Kéo theo đó là ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và trở thành lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của vùng đồng bào DTTS.
Trước tình trạng này, cấp ủy, chính quyền huyện Quỳ Châu đã triển khai nhiều giải pháp, biện pháp. Một trong những giải pháp đang thực hiện là tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các nhà trường, trong cộng đồng các thôn bản. UBND huyện Quỳ Châu đã chỉ đạo các ngành: Tư pháp, Dân số, Văn hóa - xã hội, Giáo dục, Phụ nữ phối hợp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Trong đó, chú trọng đến tuyên truyền thông qua các hình thức: In tờ rơi, băng rôn tuyên truyền; xây dựng các cụm Pano tuyên truyền phòng chống tảo hôn.
Điển hình như, ngành giáo dục cũng tổ chức Hội thi tuyên truyền pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú. Tại Trường PTDTNT -THCS Quỳ Châu, cuộc thi với những tiểu phẩm về hôn nhân, tảo hôn là chủ đề ngoại khóa ý nghĩa với học sinh nhà trường.
Đáng chú ý, những quy định về mức xử phạt của pháp luật về vi phạm tảo hôn cũng được tuyên truyền viên đưa đến với mong muốn các thầy cô giáo, các em học sinh cũng sẽ là một tuyên truyền viên để đem đến kiến thức cho người thân, gia đình và làng bản.
Ở các địa phương, chính quyền các xã cũng đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để đẩy lùi tảo hôn. Ông Vi Văn Long-Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh kể: Tại các cuộc họp ở xã hay các thôn bản, chúng tôi đều dành thời gian để tuyên truyền tác hại của tảo hôn đến người dân. Xã cũng đã gặp gỡ, tâm sự cùng già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ với mong muốn họ sẽ góp thêm tiếng nói với cộng đồng dân cư trong việc đẩy lùi tảo hôn, thi đua lao động sản xuất để thoát nghèo.
Hay cách làm của xã Châu Tiến cũng là hướng đi mới trong nỗ lực đẩy lùi tảo hôn. “Ngoài tổ chức thi tìm hiểu về tảo hôn và hôn nhân trong các nhà trường, thôn xóm; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, địa phương đang chú trọng tuyên truyền vào các trường hợp cá biệt như học sinh có bố mẹ li hôn, bố mẹ đi làm ăn xa… phải ở với người thân. Chúng tôi hi vọng bằng các giải pháp này sẽ kéo giảm tình trạng tảo hôn”, ông Sầm Thanh Hoài-Chủ tịch UBND xã Châu Tiến chia sẻ.
Nâng cao đời sống dân sinh
Là huyện miền núi vùng cao, Quỳ Châu (Nghệ An) có 78,4% dân số là người đồng bào DTTS. Trong nhiều năm qua, nhờ triển khai hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc nên đời sống kinh tế- xã hội đồng bào DTTS không ngừng được tăng lên.
Đặc biệt, từ khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), huyện Quỳ Châu phải bằng các giải pháp, nguồn lực đã tạo sinh kế ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó, kinh tế - xã hội ở huyện vùng cao Quỳ Châu có bước phát triển vượt bậc. Đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 37,3 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Quỳ Châu cũng đã giảm mạnh qua các năm.
Đáng phấn khởi là, khi đời sống được nâng cao thì các hủ tục, tệ nạn, trong đó có nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết- vốn tồn tại dai dẳng ở địa phương đã được đẩy lùi, đến nay, Quỳ Châu không còn tình trạng hôn nhân cận huyết; tình trạng tảo hôn giảm mạnh và có xu hướng được chấm dứt.
Theo báo cáo của UBND huyện Quỳ châu, năm 2020 toàn huyện có 30 trường hợp tảo hôn; năm 2021 có 12 trường hợp tảo hôn; năm 2023 có 17 trường hợp tảo hôn. Bước sang năm 2024, tính đến ngày 20/11 toàn huyện chỉ ghi nhận 1 trường hợp tảo hôn.
Theo đó tính đến ngày 20/11/2024, toàn huyện chỉ ghi nhận 1 trường hợp tảo hôn. Đó là trường hợp của em L.T. N ở xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu.
Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Dũng, Chủ tịch UBND xã Diên Lãm cho biết, trên địa bàn xã đã ghi nhận 1 trường hợp em L T.N tảo hôn. Em N có hoàn cảnh đặc biệt, bố mẹ đã ly thân nên thiếu quan tâm, giám sát con cái. Bản thân em N không được nhắc nhở bảo ban, không hiểu về Luật hôn nhân và gia đình, hệ lụy tảo hôn nên em L.T.N vi phạm.
Đáng chú ý là, tiểu dự án 2, Dự án 9, thuộc Chương trình MTQG 1719 cũng đã thiết kế nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động, giải pháp nhằm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.Từ nguồn kinh phí này, UBND huyện Quỳ Châu đã chỉ đạo các phòng, ban và các xã thị trấn đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền về phòng chống giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn.
Đi đầu trong tổ chức các hoạt động này, là Hội Phụ nữ với nhiều cách làm hay, xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả. Điển hình như vừa qua, ngày 15/07/2024, Hội Phụ nữ huyện Quỳ Châu phối hợp với phòng Giáo dục huyện tổ chức Chiến dịch truyền thông phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở nhiều trường học trên địa bàn. Tại Trường THCS xã Châu Bình, Hội đã cho ra mắt câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”.
Hàng tháng, Hội Phụ nữ các cấp đều tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi với hội viên ở các thôn bản. Qua các cuộc gặp mặt, các hội viên được cung cấp thêm kiến thức mới về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Ngoài ra, các nội dung về bình đẳng giới, bạo lực gia đình cũng được tuyên truyền đến hội viên.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai các hoạt động, giải pháp nhằm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết, những hội viên trẻ làm kinh tế giỏi, thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình được biểu dương và nêu gương kịp thời trong các cuộc họp xóm, sinh hoạt Chi hội. Từ đó, ý thức hiểu biết của người dân về những hệ lụy, tác hại từ tảo hôn được nâng lên rõ rệt.
Tiếp tục duy trì củng cố thành quả
Một trong những giải pháp ngăn chặn tảo hôn hiệu quả khác ở Quỳ Châu là, tại các trường học, nhà trường đẩy mạnh tuyên tuyên về công tác hướng nghiệp thường xuyên. Do đó, học sinh ở các trường Dân tộc nội trú, bán trú hình thành xu hướng tiếp tục đầu tư để học đại học, học nghề sau khi tốt nghiệp ngày càng nhiều. Với xu thế này, đã thay thế dần cho lối suy nghĩ truyền thống “dựng vợ, gả chồng sớm” vốn dĩ ăn sâu vào đời sống đồng bào DTTS.
Thầy giáo Vi Đình Tài, Phó Hiệu trưởng Trường Dân tộc Nội trú, THCS Châu Phong, chia sẻ, Nhà trường làm công tác hướng nghiệp sớm cho các em. Đồng thời, tuyên truyền phòng chống tảo hôn liên tục thông qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tiểu phẩm thi…Nhờ đó, trong 2 năm trở lại đây, học sinh nhà trường nói riêng và ở xã nói chung đã không còn trường hợp nào tảo hôn.
Xác định việc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ việc nâng cao đời sống dân sinh; lấy nhiệm vụ tuyên truyền nòng cốt, qua việc đổi mới nội dung, hình thức hoạt động tuyên truyền..., tình trạng hôn nhân cận huyết ở Quỳ Châu đã chấm dứt, tình trạng tảo hôn đã bị đẩy lùi, tiến tới chấm dứt.
Đây là kết quả tích cực, đáng khích lệ. Tuy nhiên, tìm hiểu từ thực tế cuộc sống của người dân sinh sống ở vùng DTTS và miền núi, đối với những hủ tục, vấn nạn lạc hậu như việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vốn đã từng ăn sâu, bám rễ trong đồng bào DTTS, nhất là đồng bào ở những địa bàn biên giới vùng sâu, vùng xa, nếu thành quả này không tiếp tục được duy trì, củng cố, phát huy bằng các giải pháp tích cực đã được triển khai hiệu quả thời gian qua, thì tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở Quỳ Châu vẫn có thể lại tái diễn.