Với mục đích tạo sự chuyển biến rõ nét, nâng cao chất lượng công tác gia đình, trong đó có phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn cả nước. Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác gia đình, trong đó có phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường giáo dục về hệ giá trị gia đình trong tình hình mới. Nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình trong giáo dục đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình; giữ gìn, vun đắp giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình.
Đồng thời, góp phần thực hiện các mục tiêu của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 (sau đây gọi tắt là Dự án 8); đặc biệt là thực hiện chỉ tiêu “1.000 địa chỉ tin cậy được củng cố, nâng chất lượng/hoặc thành lập mới”.
Phát huy vai trò quản lý nhà nước của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong xây dựng chính sách, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về gia đình, trong đó có phòng, chống bạo lực gia đình, hỗ trợ các gia đình trong việc hình thành môi trường văn hóa ứng xử trong gia đình, xây dựng gia đình phát triển bền vững, hạnh phúc.
Việc phối hợp giữa hai ngành phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan trong khuôn khổ quy định của pháp luật; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 và nội dung của Kế hoạch phối hợp này.
Hoạt động phối hợp được thực hiện thường xuyên, có tính hệ thống chặt chẽ ở tất cả các cấp, với các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đối tượng đặc thù phụ nữ và cộng đồng từng vùng, miền, đặc biệt là địa bàn khó khăn, vùng DTTS và miền núi.
Có sự theo dõi, kiểm tra đánh giá việc thực hiện, kịp thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Kế hoạch phối hợp bao gồm nhiều hoạt động cụ thể như: Tổ chức sự kiện truyền thông triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022; tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy trên các kênh truyền hình, mạng xã hội, Youtube... bằng tiếng Việt và một số tiếng dân tộc thông dụng. Các bên liên quan xây dựng các bài giảng điện tử hướng dẫn kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình cho nam, nữ thanh niên DTTS trước khi kết hôn; Liên hoan giao lưu nghệ thuật có giá trị trong định hướng xây dựng gia đình hạnh phúc, vun đắp giá trị gia đình, phòng chống bạo lực gia đình...
Kế hoạch cũng bao gồm việc tổ chức các sự kiện truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình; giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; tuyên truyền xóa bỏ tập tục có hại, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong gia đình cho cán bộ chủ chốt, cán bộ, hội viên phụ nữ và Nhân dân vùng DTTS.
Đồng thời, các bên liên quan tiến hành tập huấn, truyền thông Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, góp phần phòng ngừa bạo lực gia đình cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện, xã thuộc 51 tỉnh Dự án 8; xây dựng, đề xuất nội dung về gia đình, văn hóa con người trong Đề án “Chấn hưng văn hóa" bảo đảm có sự tham gia toàn diện của phụ nữ và tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Hai bên cũng triển khai thử nghiệm mô hình dịch vụ công về giáo dục kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc trước khi kết hôn; Nghiên cứu xây dựng triển khai thí điểm bộ chỉ số gia đình hạnh phúc...