Sáng nay, 10/10, Ban Chỉ đạo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai tổ chức họp về công tác phòng chống mưa bão. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo, 8 tỉnh, TP từ Quảng Ninh - Nghệ An đã cấm biển. Các tỉnh đã tổ chức chằng chống, gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản và sơ tán người dân đến nơi an toàn. Đã kiểm đếm, hướng dẫn, đảm bảo an toàn 61.468 phương tiện/278.639 lao động từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa (33.387 tàu/113.156 người từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh).
Về sản xuất nông nghiệp, đến ngày 10/10, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã thu hoạch 443.000/624.422 ha lúa, hiện còn 54.000 ha đã đến thời kỳ thu hoạch. Hiện các tỉnh tiếp tục chỉ đạo thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên đạt khoảng 20-90% dung tích thiết kế; hiện có 43 hồ trên các lưu vực hiện nay đang xả tràn. Các hồ trước khi xả lũ đều có thông báo việc xả lũ theo đúng quy trình. Một số hồ thủy điện đã đầy như: Chi Khê; A Lưới; An Khê; Sê San 4A; Đồng Nai 2; Srok Phu Miêng.
Về tình hình thiệt hại, theo ước tính ban đầu, báo cáo cho biết, tỉnh Quảng Nam có 1 người chết do bị lũ cuốn trôi (bà Hồ Thị Chín, sinh năm 1956 ở xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam); 25ha hoa màu bị ngập úng.
Hồi 5h00 ngày 09/10, 01 tàu/09 lao động của Thái Bình bị chìm cách cửa sông Trà Lý 300m làm 01 người chết; đã cứu được 08 người còn lại.
Các khu dân cư ven biển, khu vực trũng thấp, cửa sông, ngoài bãi các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh đã rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân tình huông bão mạnh đổ bộ (Quảng Ninh đến Hà Tĩnh: 41.315 hộ/151.422 người; Quảng Bình - Phú Yên: 71.605 hộ/256.405 người) .
Đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau đó đi vào khu vực từ Hải Phòng và Thanh Hóa. Đến 19 giờ ngày 10/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.
Do ảnh hưởng kết hợp của hoàn lưu cơn bão số 7 với không khí lạnh tăng cường nên ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 3-4m, biển động rất mạnh.
Trong ngày hôm nay (10/10) và ngày mai (11/10), ở phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-200mm, có nơi trên 250mm; ở phía Tây Bắc Bộ có mưa to, tổng lượng mưa phổ biến 50-100mm, có nơi trên 150mm. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Trong khi đó, trên vùng biển phía Đông của Philippines một cơn bão có tên quốc tế là Kompasu đang hoạt động; khoảng đêm 11/10 đến sáng 12/10 đi vào Bắc biển Đông và trở thành cơn bão số 8. Dự báo, đây là một cơn bão mạnh khi ở trên biển (cấp 10-11), di chuyển nhanh (25km/h) và có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và phía Bắc của Trung Bộ trong khoảng ngày 13-14/10 và có thể gây ra một đợt mưa lớn cho các khu vực này trong giai đoạn 13-15/10. Sau đó, ngày 16-17/10 sẽ xuất hiện một ATNĐ hoặc bão khác trên Biển Đông.