Chưa tương xứng tiềm năng
Là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông-Tây trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á, miền Trung-Tây Nguyên có vị trí quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam. Toàn khu vực hiện có 12 sân bay đang hoạt động với 5 sân bay quốc tế; hệ thống cảng biển được nâng cấp với 10 cảng biển loại 1; tuyến đường mòn Hồ Chí Minh cũng các nhánh phụ đã được đầu tư nâng cấp, kết nối với các tuyến giao thông quan trọng khác.
Khu vực miền Trung-Tây Nguyên đặc biệt có thế mạnh với du lịch sinh thái. Là nơi hội tụ nhiều nguồn tài nguyên và tiềm năng về du lịch, trong đó tiềm năng du lịch biển, đảo được xem là thế mạnh với chuỗi các bãi biển đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; tài nguyên du lịch núi rừng với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác, hồ nổi tiếng tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên.
Ngoài ra, khu vực này đang sở hữu kho tàng văn hóa vô cùng lớn. Toàn khu vực có 9 vườn quốc gia, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn, là nơi tập trung 14 di sản thế giới và 40 di tích quốc gia đặc biệt; là địa bàn sinh sống của 47 dân tộc anh em-những chủ nhân đã và đang xây dựng nên một bảo tàng văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của Việt Nam.
Với tài nguyên du lịch phong phú đó, khu vực miền Trung-Tây Nguyên là điểm đến của du khách, nhất là du khách nước ngoài. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong năm 2018, cả nước đón hơn 15,5 triệu lượng khách du lịch quốc tế thì đã có hơn 9,5 triệu lượt khách đến khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Còn với du khách nội địa, khu vực miền Trung-Tây Nguyên cũng đón khoảng 58 triệu lượt khách trong tổng số hơn 80 triệu lượt khách du lịch nội địa của cả nước trong năm 2018.
Đây là những con số rất ấn tượng, nói lên sức hấp dẫn của khu vực này đối với khách du lịch, nhất là du khách quốc tế. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động phát triển du lịch, nhất là về thu nhập và tạo việc làm cho xã hội lại chưa tương xứng.
Minh chứng cho nhận định này là tổng thu từ hoạt động du lịch mang lại. Năm 2018, dù chiếm hơn một nửa số lượng khách du lịch quốc tế so với cả nước (9,5 triệu/15,5 triệu khách); chiếm 72,5% tổng khách du lịch nội địa của cả nước (58 triệu/80 triệu khách) nhưng tổng thu từ khách du lịch của khu vực miền Trung-Tây Nguyên chỉ đạt 120.000 tỷ đồng, chỉ chiếm 18,75% tổng thu từ khách du lịch của cả nước (hơn 620.000 tỷ đồng).
Mạnh ai nấy làm!
Tại Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung-Tây Nguyên” tổ chức ở TP. Huế ngày 16/02/2019, ông Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ có một ví von rất đáng chú ý khi nói về sự liên kết trong phát triển du lịch của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Ông nói: “Miền Trung như máng xối, còn Tây Nguyên như mái của một ngôi nhà. Hai vùng này liên kết với nhau thì du lịch sẽ có sự bứt phá rất lớn”.
Nhận định của vị chuyên gia này là hoàn toàn xác đáng, nhưng đáng tiếc sự liên kết trong phát triển du lịch ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên vẫn đang ở dạng ý tưởng. Còn thực tế hiện nay, dựa trên tài nguyên của mỗi vùng, mỗi địa phương, hoạt động du lịch vẫn theo hình thức “mạnh ai nấy làm”.
Nếu nói như ông Trần Du Lịch khi xem các tỉnh duyên hải miền Trung là “máng xối” thì cái “máng xối” này đang “hái ra tiền” nhiều hơn từ du lịch. Trong các tỉnh duyên hải miền Trung, năm 2018, Đà Nẵng là địa phương đạt doanh thu cao nhất từ hoạt động du lịch, đạt khoảng 24.060 tỷ đồng; Khánh Hòa cũng đạt hơn 20.500 nghìn tỷ đồng.
Các tỉnh khác (Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam,…) cũng đều đạt từ 4.500-4.700 nghìn tỷ đồng doanh thu từ hoạt động du lịch. Ít tài nguyên du lịch hơn so với các tỉnh khác nhưng Quảng Trị cũng đạt doanh thu 1.624 tỷ đồng.
Còn “mái nhà” (Tây Nguyên), dù tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, đa dạng nhưng doanh thu từ du lịch lại rất hạn chế. Năm 2018, trong 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên thì chỉ duy nhất Lâm Đồng đạt doanh thu gần 12 nghìn tỷ đồng; còn Đăk Lăk ước đạt 700 tỷ đồng, 3 tỉnh còn lại (Gia Lai, Kon Tum, Đăk Nông) không vượt quá 200 tỷ đồng; thậm chí như Đăk Nông chỉ đạt khoảng 25 tỷ đồng.
SỸ HÀO
Nêu lên như vậy để thấy, phát triển du lịch miền Trung-Tây Nguyên vẫn đang chú trọng “cái máng xối” mà chưa khai thác được giá trị của “mái nhà”, tức là vẫn khai thác tối đa “mặt tiền” mà bỏ lửng các phần còn lại của căn nhà. Đây là tư duy quy hoạch rất lỗi thời trong phát triển du lịch.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch miền Trung-Tây Nguyên, thiết nghĩ các địa phương trong khu vực cần đề cao tính liên kết trong phát triển du lịch. Trong đó, mỗi địa phương vừa là một đối tác vừa là cạnh tranh để phát huy lợi thế. Quan trọng là xác định yếu tố đặc thù từng địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và tạo thành hình ảnh tổng thể của sản phẩm du lịch đặc trưng từng vùng kết hợp đan xen, bổ trợ cho các khu vực tạo thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch.