Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về việc Sóc Trăng được chọn làm địa phương tổ chức Lễ ra quân điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 tại khu vực phía Nam?
Ông Lâm Hoàng Nghiệp: Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện với 109 xã, phường, thị trấn và 775 khóm, ấp. Dân số năm 2023 gần 1,2 triệu người, trong đó DTTS có 423.000 người, chiếm 35,4% dân số của toàn tỉnh (dân tộc Khmer là 30%, dân tộc Hoa là 5%, còn lại 25 dân tộc khác).
Tỉnh Sóc Trăng rất vinh dự được Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê chọn thị xã Vĩnh Châu làm điểm tổ chức Lễ ra quân điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 tại khu vực phía Nam. Thị xã Vĩnh Châu, địa phương được chọn tổ chức Lễ ra quân là địa phương có đông đồng bào DTTS nhất tỉnh, chiếm hơn 70% dân số.
Phóng viên: Từ lần điều tra thu, thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019 đến nay, lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành tựu gì, thưa ông?
Ông Lâm Hoàng Nghiệp: Xuất phát từ đặc điểm là một tỉnh thuần nông, có đông đồng bào DTTS sinh sống nhất trong khu vực, trong những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tập trung đề ra nhiều giải pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể phối hợp triển khai đồng bộ, quyết liệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc; lồng ghép các chương trình, đề án, dự án với các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt là, tỉnh đang tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các công trình, dự án đầu tư trọng điểm.
Các chương trình, chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của tỉnh trên các lĩnh vực đã từng bước mang lại những lợi ích thiết thực; kết quả nổi bật là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, với tổng số vốn đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2024 là 1.030 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đến cuối tháng 5/2024 đạt 58% kế hoạch. Nguồn vốn hỗ trợ tập trung đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS...
Kết quả đạt được nêu trên đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo Khmer 3%/năm. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 8.526 hộ nghèo, tỷ lệ 2,54% (giảm 6.613 hộ so với năm 2022), trong đó hộ nghèo trong đồng bào Khmer giảm còn 3.937 hộ, tỷ lệ 3,86% (giảm 3.184 hộ so với năm 2022).
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được nâng lên đáng kể, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của tỉnh. Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS tiếp tục được giữ vững ổn định.
Trong thành tựu chung đó, có sự hỗ trợ của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê trong việc tổ chức điều tra, thu thập thông tin trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2019. Kết quả điều tra đã góp phần quan trọng trong việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho vùng DTTS của tỉnh. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê từ kết quả điều tra năm 2019.
Phóng viên: Để cuộc điều tra năm 2024 thành công, hoàn thành mục tiêu đề ra, ông có những chỉ đạo cụ thể gì cho các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh?
Ông Lâm Hoàng Nghiệp: Cuộc điều tra, thu thập thông tin năm 2024 có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm thu thập thông tin toàn diện về dân số, phân bố dân cư; tiếp cận cơ sở hạ tầng; điều kiện sống; tôn giáo, tín ngưỡng; an ninh nông thôn vùng DTTS ... để biên soạn các chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc.
Từ thông tin thu thập được của điều tra năm 2024, kết hợp với kết quả điều tra năm 2019 sẽ là cơ sở quan trọng để phân tích, đánh giá tình hình triển khai các chương trình, dự án thuộc vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025 và xây dựng chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026 - 2030 đạt hiệu quả thiết thực.
Để cuộc điều tra năm 2024 tổ chức thành công và hoàn thành đúng tiến độ đề ra, tôi đề nghị Ban Dân tộc, các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngành Thống kê tổ chức cuộc điều tra theo kế hoạch đề ra và đúng chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê.
Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan Báo, Đài phối hợp chặt chẽ với ngành Thống kê tăng cường công tác tuyên truyền của cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024, nhằm cung cấp thông tin về mục đích, ý nghĩa, nội dung cơ bản của cuộc điều tra đến các tầng lớp Nhân dân; đặc biệt là người dân thuộc các địa bàn điều tra để tạo sự ủng hộ, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành và Nhân dân, góp phần để cuộc điều tra đạt kết quả tốt nhất.
Trân trọng cảm ơn ông!