Ngày biết điểm thi đại học, nữ sinh Hà Khánh Ly (SN 2006) rất vui mừng khi đạt điểm cao, đúng như dự đoán với 28,25 điểm xét Đại học khối C00. Trong đó: 10 điểm môn Địa lý; 9,75 điểm Lịch sử và 8,5 điểm Ngữ văn. Tuy nhiên, sau niềm vui đó lại là một nỗi lo, cánh cửa đại học đã mở đối với em nhưng hành trình trong suốt 4 năm tới đây sẽ ra sao khi hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Bố mẹ ly hôn từ năm em mới 2 tuổi, Khánh Ly được đưa về nhà ông bà ngoại nuôi dưỡng. Sau đó, bố Khánh Ly vào miền Nam sinh sống và lập gia đình mới, còn mẹ cũng đi thêm bước nữa. Đến năm 2022, khi Khánh Ly đang học lớp 11, thì bố em mắc bệnh rồi qua đời.
Trong căn nhà sàn trống hoác của ông Lương Xuân Đại (66 tuổi), bà Hà Thị Luyến (60 tuổi) – là ông, bà ngoại của nữ sinh Hà Khánh Ly không có tài sản gì đáng giá.
Ông bà chỉ sống bằng việc làm nương rẫy, không có thu nhập đáng kể. Ông Đại chia sẻ: “Chúng tôi rất mừng vì cháu chịu khó học hành, ngoan ngoãn, nhưng cũng rất lo vì nếu cháu vào đại học thì ông bà không biết lấy gì nuôi cháu”.
Ngồi kế bên ông ngoại, nữ sinh Khánh Ly với đôi mắt buồn buồn cho biết: "Trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường em đã rất nỗ lực. Khi biết điểm thi, tâm trạng em vô cùng hỗn độn, vui thì ít mà buồn nhiều hơn. Hoàn cảnh gia đình em quá khó khăn, trong khi để theo học đại học phải tốn rất nhiều chi phí”.
Ước mơ của em là trở thành cô giáo. Sau khi có điểm thi tốt nghiệp, nhiều người khuyên em đăng ký vào Đại học sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt ở Hà Nội đắt đỏ, em sợ gia đình không gánh vác được.
“Em rất tiếc vì không thể vào được ngôi trường mơ ước của mình. Sau nhiều cân nhắc, để có thể tiếp tục theo đuổi việc học, em đã đăng ký vào khoa Tiểu học, Đại học sư phạm Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk. Vì có dì ruột em đang sinh sống ở tỉnh này, dù chỗ dì cách trường 65km, nhưng cũng gần hơn là đi Hà Nội, nơi mà em không có người thân quen nào. Em cũng không còn cách nào khác. Dù học ở đâu thì em cũng sẽ cố gắng hết sức để hiện thực hóa ước mơ của mình, và sau này có thể báo hiếu ông bà ngoại”, nữ sinh nói.
Để có tiền đi nhập học, những ngày này, em đang tranh thủ đi phụ bàn ăn cho quán phở ở thị trấn Co Lương, tỉnh Hòa Bình. Ngày nào quán đông khách, Ly mới có việc làm. Mỗi ngày, chủ quán trả cho em 130.000 đồng và hỗ trợ ăn trưa. Sau hơn chục ngày làm việc, Ly tiết kiệm được gần 2 triệu đồng. Khánh Ly dự định, sau khi nhập học, em sẽ xin làm thêm việc gì đó, để có tiền trang trải việc học hành.
Nữ sinh cũng trăn trở, bởi khi đi học ở Tây Nguyên, em sẽ phải xa ông bà, 2 người đều đã lớn tuổi, ông năm nay gần 70 tuổi, còn bà thì đã 60 tuổi. Sợ lúc ông bà đau ốm, em không thể kịp thời ở bên chăm sóc. Về phần ông bà ngoại của Ly, khi nghe cháu gái hỏi ý kiến về lựa chọn cho tương lai, ông bà đều tỏ ra lo lắng và xúc động vì thương cháu bắt đầu cuộc sống xa nhà, lại một thân một mình ở nơi đất khách.
“Chúng tôi tôn trọng quyết định của cháu, cháu cũng đã lớn rồi, phải tự lập thôi. Lúc nào tôi cũng dặn cháu khi xa nhà phải giữ gìn sức khỏe, phải mạnh mẽ và tỉnh táo trước các quyết định, đừng để kẻ xấu dụ dỗ, và quan trọng nhất là bản thân phải luôn nỗ lực, cố gắng hơn người khác để vượt qua mọi khó khăn”, ông Đại, ông ngoại của Ly bộc bạch.
Ông Đại dự định, khi Khánh Ly vào nhập học, ông sẽ vay mượn một ít tiền, rồi đưa cháu vào trường, vì không yên tâm để cho cháu tự đi một mình. “Vợ chồng tôi nuôi cháu từ nhỏ, cuộc sống khốn khó. Nhà có 3 khẩu, mỗi người được Nhà nước cấp cho 300 mét vuông đất ruộng, làm 2 vụ nên cũng chỉ đủ thóc để ăn. Ngoài ra, vợ chồng tôi cũng có 60 bụi luồng, mỗi năm khai thác được một ít, nhưng giá cả rẻ lắm”, ông Đại tâm sự.
Thầy Lê Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Hóa (Thanh Hóa) cho biết, Khánh Ly là học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng rất có ý chí và nghị lực trong học tập. Năm học lớp 11 và lớp 12, Khánh Ly từng đoạt giải Khuyến khích môn Địa lý tại cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
“Em ấy là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, được thầy cô giáo, các bạn quý mến. Với năng lực, nghị lực và ý chí không ngừng tiến lên của mình, tôi tin rằng, cô học trò nhỏ sẽ vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục dệt nên ước mơ của mình”, thầy Thanh cho biết.