Ở xã Cao Tân, hằng ngày người dân nơi đây đã quen với hình ảnh chàng trai người Tày dậy rất sớm, thịt lợn rồi mang ra chợ bán. Trang trại lợn của gia đình anh có số lượng trung bình 100 con mỗi năm, hiện là địa chỉ tin cậy cung cấp thực phẩm cho bà con địa phương.
Anh Sáu chia sẻ, ngày trước, gia đình rất nghèo, chỉ trông vào ngô lúa. Hết mùa vụ ai thuê gì làm nấy, cái nghèo khó cứ đeo bám mãi người ta đến nỗi thành quen. “Mình còn trẻ, phải nghĩ ra cái gì đó lớn lao một chút chứ không thể nghèo mãi được”, anh nói. Với suy nghĩ ấy, anh đã tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi trên mạng Internet và thăm quan những mô hình chăn nuôi hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm.
Anh kể, từ xưa, phần lớn người dân miền núi nuôi lợn theo hình thức không đầu tư chăm sóc, thậm chí thả rông với mục đích chính là cung cấp nguồn thực phẩm tại chỗ cho gia đình, thỉnh thoảng mang bán lấy tiền mua đồ dùng, hàng hóa thực phẩm khác. Nhận thấy việc xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa sẽ tăng thu nhập, anh Sáu đã chọn giống lợn trắng phổ thông ở địa phương để nuôi.
Theo anh Sáu, giống lợn này có đặc điểm nhanh lớn, sức đề kháng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Nguồn thức ăn nuôi lợn là ngô, thì ở địa phương luôn có sẵn, giá rất rẻ.
Mới chăn nuôi nên ban đầu anh chỉ nuôi vài chục con lợn, nhưng do thiếu kinh nghiệm phòng dịch bệnh nên thời gian đầu, đàn lợn bị bệnh chết, hao hụt vốn liếng. Mỗi lần như vậy, anh lại tra mạng, tham khảo ý kiến những người có chuyên môn để xử lý.
Từ sự chịu khó tìm tòi, học hỏi, dần dần anh Sáu đã tích lũy được nhiều kiến thức, kỹ năng để áp dụng vào chăn nuôi, theo đó anh quyết định mở rộng đầu tư, xây dựng chuồng trại kiên cố, với hệ thống xử lý chất thải bằng hầm Biogas, để cải thiện ô nhiễm môi trường, cung cấp nguồn ga cho gia đình sử dụng.
Nhờ có kiến thức và cách làm đúng, hơn một năm nay, trang trại nuôi lợn của gia đình anh không có dịch bệnh xảy ra, đàn lợn giống và lợn thịt luôn được bà con lựa chọn tin dùng. Không những thế, anh còn tự nhân rộng đàn, không cần phải tốn chi phí mua lợn giống. Với số lượng lợn nuôi luôn ổn định hơn 100 con, mỗi năm thu nhập từ đàn lợn đã mang đến cho gia đình anh hơn 100 triệu đồng.
Không dừng lại ở việc nuôi lợn, Ma Văn Sáu còn kết hợp với nuôi gà, vịt. Tổng thu nhập mỗi năm từ mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Sáu là 200 triệu đồng, trừ chi phí, gia đình anh đủ sinh hoạt, trang trải cuộc sống và có một chút tích lũy. “Năm trước, mình đọc trên báo mạng, thấy mô hình nuôi dúi khả thi nên mình đang thử nghiệm nuôi. Thời gian qua, mình đang có kế hoạch vận động tập hợp nhiều thanh niên ở xã Cao Tân tham gia phát triển mô hình chăn nuôi theo hướng hợp tác xã để nâng cao hiệu quả kinh tế”, anh Sáu chia sẻ.
Từ mô hình, cách làm kinh tế gia đình của anh Ma Văn Sáu cho thấy, chỉ cần chăm chỉ lao động, chịu khó học hỏi, không ngại khó, thì sẽ có thể phát triển kinh tế thoát nghèo để trở thành hộ khá, hộ giàu. Hiện nay, mô hình chăn nuôi của anh Sáu là nơi truyền cảm hứng về tinh thần lao động sản xuất; là mô hình để cho nhiều thanh niên, người dân ở địa phương đến tìm hiểu học tập để vươn lên thoát nghèo.
HỒNG PHÚC