Anh Nguyễn Văn Thủy, ở tổ 2, khu phố Xuân Đồng-người có hơn 10 năm trồng rau sạch cho biết, gia đình anh thường xuyên trồng rau cải, xà lách trên diện tích hơn 2.000m2, gần đây anh sử dụng màng phủ nông nghiệp vào canh tác và áp dụng sản xuất rau “sạch”, từ đó giúp tăng hiệu quả hơn so với canh tác theo kiểu truyền thống. Nhờ nắm bắt được kỹ thuật, nên sản phẩm làm ra luôn đạt chất lượng, năng suất cao. “Dự báo dịp Tết năm nay thị trường rau tương đối ổn định nên gia đình tôi đã canh tác hơn 2 sào (2.000m2) rau màu các loại để đáp ứng cấp nhu cầu người tiêu dùng”, anh Thủy nói.
Cùng với đó, tại nhiều vùng sản xuất rau trên địa bàn tỉnh như Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Đăng, nông dân cũng đang tất bật trồng các loại rau màu để cung ứng nhu cầu thực phẩm tăng cao trong dịp Tết. Chị Đỗ Thị Đạt, ở xã Long Hà, huyện Phú Riềng-người có nhiều năm trồng rau “sạch” để bán trong các dịp Tết chia sẻ: “Việc trồng rau màu các loại cũng khá đơn giản, người nào cũng có thể trồng được, chỉ cần khâu làm đất kỹ, chăm sóc cẩn thận và gieo đúng thời vụ thì thành công.
So với các loại cây trồng dài ngày khác thì trồng rau ít tốn công sức, nhanh cho thu nhập. Nhờ trồng rau theo hướng an toàn, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên giá bán các loại rau tương đối cao. Hiện gia đình tôi đang canh tác khoảng 5 sào rau an toàn để kịp bán trong dịp Tết năm nay”.
Tương tự, ông Ngô Duy Hợp-chủ sở cơ sản xuất rau an toàn Bàu Trúc ở phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài, cũng rất thành công theo phương pháp trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ nhà kính. Ông Hợp cho biết, ông đã đầu tư hơn 800 triệu đồng xây dựng màng lưới nhà kính trên diện tích 2.000m2 để trồng rau theo hướng an toàn. Theo ông Hợp, việc trồng rau trong nhà kính có thể hạn chế được sâu bệnh xâm nhập. Qua đó, tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm hơn một nửa so với trồng rau ngoài trời, đồng thời có thể trồng rau được quanh năm không phụ thuộc vào thời tiết, đặc biệt giúp rau đạt năng suất cao, đảm bảo rau an toàn.
“Sử dụng hệ thống này có thể tiết kiệm được nhân công lao động, giảm chi phí sản xuất. Nhờ cách làm mới này giúp cho cơ sở sản xuất rau an toàn của tôi không lo mất mùa, sâu bệnh gây hại và có thể canh tác quanh năm, đặc biệt có thể cung ứng ra thị trường sản lượng lớn trong dịp Tết này”, ông Hợp nói.
Chị Nguyễn Thị Yên, ở ấp 1, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú cho biết, gia đình chị đang trồng rau theo phương pháp sử dụng các loại phân hữu cơ trên diện tích 2 sào gồm các loại: xà lách, mồng tơi, dền, đay, cải xanh. “Rau trồng theo cách này rất được người tiêu dùng rất ưa chuộng”, chị Yên nói.
Thạc sĩ Doãn Văn Chiến, Phó chi Cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước cho biết, để hạn chế ảnh hưởng của sâu bệnh và thời tiết tới cây trồng, người dân cần định kỳ phun thuốc khi mật độ sâu, bệnh vượt ngưỡng phòng trừ. Cần ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học, bón phân theo hướng hữu cơ an toàn để phòng trừ sâu bệnh hại rau màu, nhất là tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: đúng thuốc-đúng liều lượng-đúng thời điểm-đúng phương pháp. Ngoài ra, trước khi xuất bán cần có thời gian cách ly đúng quy định của ngành chuyên môn hướng dẫn nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe người sử dụng.
THANH LIÊM