Đây là sự kiện thường niên được tổ chức trong nhiều năm do Ủy ban Dân tộc chủ trì, để tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam, biểu dương học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số (DTTS) là những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, rèn luyện đã đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi
quốc gia, quốc tế, đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 và đạt giải trong các cuộc thi đấu thể thao quốc tế.
Chương trình này có ý nghĩa chính trị - xã hội thiết thực, tạo sức lan tỏa, đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên DTTS góp phần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng dân tộc và miền núi.
161 em là những tấm gương đại diện 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước; thuộc thành phần 26 DTTS (Ê Đê, Hoa, Nùng, Tày, Thái, Thổ, Mông, Mường, Sán Dìu, Dao, Bố Y, Chăm, Khmer, Lào, Pà Thẻn, Dáy, Cơ Tu, Tà Ôi, Ngái, Cống, Gié Triêng, La Ha, La Hủ, Chứt, Ba Na, Gia Rai), trong đó có 13 học sinh DTTS rất ít người được tuyên dương.
Nhân Dân điện tử xin giới thiệu hai tấm gương tiêu biểu trong số đó được tuyên dương tại sự kiện ý nghĩa này:
Chàng trai dân tộc Ê Đê với niềm đam mê môn Lịch sửDương Niê Quốc Phong, tân sinh viên Trường Sĩ quan chính trị, người Ê Đê, là học sinh đầu tiên của Trường THPT Dân tộc Nội trú Nơ Trang Lơng đoạt giải Nhì quốc gia môn Lịch sử.
Sinh ra và lớn lên tại xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đác Lắc, mảnh đất Tây Nguyên giàu truyền thống anh hùng cách mạng. Là con đầu trong gia đình có ba người con, bố mẹ đều là nông dân, ông nội em từng là bộ đội tình nguyện chiến đấu tại Cánh đồng Chum (Lào).
Tuổi thơ gắn liền với những kỷ niệm, những câu chuyện kể của ông về những tháng ngày gắn bó với đồng đội khi tham gia kháng chiến. Những câu chuyện về hành trình gian khổ với lòng yêu nước sâu sắc của ông đã thấm sâu trong tâm hồn em. Và có lẽ cũng từ đó, niềm đam mê học tập, tìm hiểu về lịch sử đã hình thành trong em.
Nie Quốc Phong chia sẻ, khi vào Trường THPT Dân tộc Nội trú Nơ Trang Lơng, ngôi trường mang tên người anh hùng dân tộc, niềm đam mê ấy được khơi dậy, thổi bùng thêm khi gặp cô giáo dạy sử Từ Thị Hồng Hạnh, Tổ trưởng Tổ chuyên Văn - Sử - Giáo dục công dân của nhà trường, người tâm huyết đã truyền thụ kiến thức theo cách riêng, phong phú, sinh động khiến những bài giảng về lịch sử trở nên hấp dẫn.
Niềm đam mê và sự nỗ lực của Phong đã giúp em liên tục giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi. Năm học 2015-2016, Phong đạt Giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh bộ môn Lịch sử; Huy chương bạc kỳ thi Olympic 10-3; Huy chương đồng kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 khu vực phía nam tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Em cũng vinh dự nhận học bổng Odon Vallet năm 2016 tại TP Đà Lạt.
Năm học 2016-2017, Phong đạt Giải nhì học sinh giỏi cấp quốc gia môn Lịch sử; Giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử; được tham dự Lễ vinh danh học sinh giỏi cấp quốc gia bộ môn Lịch sử tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) do Hội Khoa học Lịch sử tổ chức. Được tham dự Lễ tuyên dương, khen thưởng giáo viên và học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, khu vực năm học 2016-2017 do UBND tỉnh Đác Lắc tổ chức. Phong tiếp tục được vinh dự nhận học bổng Odon Vallet năm 2017 tại TP Đà Lạt và vinh dự tham gia Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt đổi mới sáng tạo trong dạy và học, năm học 2016-2017, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Nói về bí quyết học tập hiệu quả, Phong cho biết, em luôn có niềm đam mê với môn học này, ngoài thích đọc sách em còn tìm tham khảo nhiều nguồn khác nhau, để xem mỗi nguồn viết về một sự kiện, một nhân vật khác nhau ở chỗ nào. Em thấy lịch sử như một câu chuyện, có mở đầu và có kết thúc. Khi học được điều gì mới về lịch sử, Phong hay ghi lại trên giấy các dữ liệu để tái hiện bằng sự hiểu biết của mình.
Để đạt được thành tích cao như hôm nay. Phong bày tỏ, thành tích này của em không phải bỗng dưng mà có, đó là nhờ sự dìu dắt, giúp đỡ của các thầy cô giáo, đặc biệt là gia đình, người ông, người cha, đã truyền lửa say mê môn Lịch sử.
Đồng hành cùng em qua những tháng ngày trong đội tuyển Sử, cô giáo Từ Thị Hồng Hạnh cho biết, muốn học giỏi lịch sử, người học trước tiên phải có đam mê, ở Phong có sẵn đam mê ấy, em là một học sinh rất đặc biệt, luôn chăm chỉ học hỏi, có tinh thần nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tập.
Khoác trên mình mầu xanh áo lính, ước mơ trở thành sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam của Phong đã thành hiện thực. Nam sinh lớp 12A4 là niềm tự hào của thầy cô và bạn bè không chỉ bởi những giải thưởng giành được mà còn là tấm gương minh chứng cho sự cố gắng phấn đấu học tập và rèn luyện không mệt mỏi, vươn lên vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Nữ sinh dân tộc Tà Ôi vượt khó học giỏiHồ Thị Nữ, người dân tộc Tà Ôi (Pa Cô), đến từ xã A Túc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), là một trong 161 em được vinh danh tại Lễ tuyên dương năm nay với số điểm 25,25 đạt được trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, hiện em đang là sinh viên năm thứ nhất của Trường đại học Sư phạm Hà Nội.
Sinh ra trong gia đình thuần nông, bố mẹ đều làm nghề nương rẫy, trồng sắn là chủ yếu. Trong khi đó, mẹ bị tàn tật một chân do di chứng chất độc da cam, mỗi tháng được trợ cấp 270 nghìn đồng. Việc đi lại của mẹ rất khó khăn. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào người bố.
Nữ là chị cả trong gia đình, em thứ hai học lớp 11, còn em út học lớp 4. Nữ học tiểu học và THCS tại quê nhà. Nơi em ở là thôn xa nhất của xã, hằng ngày em phải đi bộ bốn cây số tới trường. Em tiếp tục theo học tại Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị. Qua chín năm học, em đều là học sinh giỏi đạt nhiều thành tích như: Giải ba kỳ thi vở sạch chữ đẹp cấp huyện năm lớp 5; Giải nhì môn lịch sử cấp huyện năm lớp 9...
Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bố mẹ, nên ngay từ nhỏ, Hồ Thị Nữ đã có ý thức trong việc tự học và chăm chỉ phụ giúp công việc gia đình. Với sự trợ cấp của Nhà nước, hỗ trợ của nhà trường, sự động viên của thầy cô và bạn bè, Nữ đã có thêm động lực vượt khó, vươn lên trong học tập.
Chia sẻ về học tập, Nữ khiêm tốn, em chẳng có bí quyết gì cả ngoài việc trên lớp chuyên tâm nghe thầy cô giảng bài, cái gì không hiểu thì hỏi thầy cô ngay, ngoài học kiến thức trong sách giáo khoa, em còn tìm hiểu và mượn thêm sách tham khảo của bạn bè.
Trao đổi với em nhân dịp được tuyên dương lần này, Hồ Thị Nữ bộc bạch: “Để đạt được thành tích như ngày hôm nay, trước hết bản thân mình phải tự quyết tâm vượt lên những khó khăn, biết chấp nhận hoàn cảnh, sống gần gũi và hòa nhã với bạn bè. Nhưng điều quan trọng nhất là phải luôn trau dồi kiến thức, luôn giữ cho mình sự quyết tâm cao, khi đó tự mình sẽ vượt qua tất cả để có kết quả học tập tốt”.
Với ước mơ trở thành cô giáo để dạy cái chữ cho các em nhỏ, đem lại những tri thức mình được học về với bản làng, quê nhà, Nữ tự hứa với mình nỗ lực phấn đấu học thật giỏi để làm hành trang nâng bước vào đời. Hồ Thị Nữ xứng đáng là tấm gương sáng cho các em học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn quê hương em học tập và noi theo.
THEO NHÂN DÂN