Trước tình hình trên, chiều 27/6, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nghe báo cáo tình hình thiệt hại mưa lũ ở các tỉnh miền núi phía Bắc và thống nhất một số phương án hỗ trợ đồng bào chịu tác động của mưa, lũ.
Tại cuộc họp, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn phân công từ ngày 29-30/6, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hầu A Lềnh, Trưởng ban cứu trợ Trung ương sẽ trực tiếp đến kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả lũ, lụt, động viên, chia sẻ với đồng bào; trao cho 2 tỉnh Hà Giang, Lai Châu, mỗi địa phương 1 tỷ đồng.
Trước thực tế nguồn cứu trợ ở các địa phương không đồng đều, nơi có nhu cầu thì còn quá ít, nơi chưa cần sử dụng lại kết dư nhiều. Trên tinh thần “lá lành đùm lá rách,” ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Mặt trận Tổ quốc các địa phương tính toán để chủ động chuyển một phần nguồn lực đó về Mặt trận Tổ quốc để cân đối, hỗ trợ những địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn như các tỉnh miền núi phía Bắc vừa qua.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Điện Biên, Tuyên Quang, Lào Cai, Cao Bằng khẩn trương thực hiện các biện pháp hỗ trợ đồng bào trên địa bàn.
Về chính sách hỗ trợ, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng, các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Thông tư số 10/2015/TT-Ngân hàng Nhà nước ngày 22/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Các ngân hàng tổ chức thăm hỏi, động viên đối với các gia đình bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để động viên người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất; thực hiện công tác an sinh xã hội đối với các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của đợt mưa lũ này.
Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Điện Biên, Tuyên Quang, Lào Cai, Cao Bằng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu phối hợp với các Sở, ban, ngành trên địa bàn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, các khu vực bị thiệt hại do thiên tai; Làm đầu mối chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khẩn trương triển khai việc hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại nêu tại Điểm 1 của Công văn này.
Để thiết thực chia sẻ với nhân dân vùng lũ, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức phát động công đoàn viên toàn hệ thống Ngân hàng dành 1 ngày lương để hỗ trợ các tỉnh khắc phục hậu quả thiên tai. Tổng kinh phí hỗ trợ là 2,3 tỷ đồng.
BTK