Amanda Nguyễn tự hào nói "Xin chào Việt Nam" khi trải nghiệm trạng thái không trọng lực.Tự hào bay vào vũ trụ và gửi lời chào Việt Nam
Ngày 14/4, tại bãi phóng vùng Tây Texas (Mỹ), tàu vũ trụ New Shepard của Công ty Blue Origin do tỷ phú Jeff Bezos sáng lập thực hiện thành công sứ mệnh NS-31, đưa nhóm phi hành gia toàn nữ lên không gian.
Amanda Nguyễn - nhà sáng lập tổ chức Rise, nhà hoạt động dân quyền nổi tiếng và cũng là người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ - trở thành tâm điểm của chuyến bay lịch sử.
Khoang tàu đưa 6 người phụ nữ vượt qua ranh giới Kármán, mốc phân định không gian ở độ cao hơn 100km so với mặt đất. Trong khoảnh khắc trải nghiệm trạng thái không trọng lực, Amanda Nguyễn đã hướng vào camera và nói: "Xin chào Việt Nam!".
Tham dự buổi chứng kiến chuyến bay đặc biệt, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - ông Nguyễn Quốc Dũng đã trực tiếp trao thư chúc mừng của Chủ tịch nước Lương Cường tới Amanda Nguyễn.
Trong thư, Chủ tịch nước bày tỏ niềm vui mừng, tự hào và biểu dương thành tựu đầy cảm hứng của người phụ nữ gốc Việt tại nước Mỹ. Chủ tịch nước Lương Cường cho rằng, việc Amanda Nguyễn bay vào không gian khẳng định tài năng và trí tuệ của người Việt Nam tại Mỹ và trên thế giới.
Bức thư nhấn mạnh rằng, sự kiện mang ý nghĩa biểu tượng đặc biệt cho sự hợp tác về văn hóa - khoa học giữa hai quốc gia khi diễn ra đúng năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ (1995-2025).
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao việc Amanda hợp tác với Trung tâm Vũ trụ Quốc gia Việt Nam (VNSC), mang theo 169 hạt giống sen Việt Nam lên vũ trụ, phục vụ nghiên cứu sự sinh trưởng của cây trồng trong môi trường vi trọng lực.
Việc mang 169 hạt giống sen Việt Nam lên không gian, không chỉ là nghiên cứu sinh học. Amanda gọi đó là “nghi lễ thiêng liêng”, kết nối bản thân với nguồn cội. Trong khoảnh khắc không trọng lực, cô đã nói lời chào gửi về quê cha đất tổ, với tư cách người Việt Nam.
“Hôm nay tôi bay lên vũ trụ. Tôi muốn những cô gái trẻ gốc Á - đặc biệt là người Việt Nam biết rằng, họ không cần từ bỏ bất kỳ nguồn gốc nào của mình để vươn đến những vì sao", Amanda nói trong một bài phỏng vấn với Vanity Fair.
Cùng thời điểm tại Việt Nam, Đại sứ Mỹ Marc Knapper tổ chức buổi gặp gỡ Trung tướng Phạm Tuân - người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ, cùng đại diện Trung tâm Vũ trụ Việt Nam theo dõi và ghi dấu khoảnh khắc lịch sử. Amanda Nguyễn trở thành cầu nối biểu tượng giữa hai thế hệ người Việt bay vào không gian, từ quá khứ đến hiện tại.
Trong sứ mệnh NS-31, Amanda mang theo hai vật kỷ niệm thiêng liêng, là chiếc vòng tay bệnh viện từ ngày cô bị tấn công tình dục, tờ giấy ghi lời hứa với bản thân là cô sẽ chinh phục giấc mơ phi hành gia.
“Chuyến bay này không chỉ là khoa học, mà còn là hành trình chữa lành. Tôi từng nghĩ rằng giấc mơ của mình đã chết. Nhưng tôi ở đây, trong vũ trụ và mang theo cả quá khứ của mình”, Amanda chia sẻ với Space.com.
Chinh phục vũ trụ từ những nỗi đau
Trước khi trở thành người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ, Amanda Nguyễn thuyết phục nước Mỹ, trở thành biểu tượng của những người phụ nữ vươn lên từ nỗi đau vì vượt qua nạn tấn công tình dục.
Theo Guardian, năm 2013, Amanda trải qua vụ tấn công tình dục nghiêm trọng khi đang là sinh viên tại Đại học Harvard. Sau khi báo cáo vụ việc, cô phát hiện hệ thống pháp luật không bảo vệ đầy đủ quyền lợi của nạn nhân.
Bộ dụng cụ thu thập chứng cứ (rape kit) của cô có thể bị tiêu hủy sau 6 tháng nếu không làm đơn gia hạn. Cô cho rằng đó là thủ tục phức tạp, thiếu minh bạch và gần như không ai hướng dẫn.
Không im lặng, Amanda quyết định hành động. Cô viết và đề xuất Đạo luật Quyền của Nạn nhân bị tấn công tình dục, vận động Quốc hội Mỹ thông qua, sau đó được Tổng thống Barack Obama ký ban hành năm 2016.
Cô được đề cử giải Nobel Hòa bình, được tạp chí TIME bình chọn là Người phụ nữ của năm, xuất hiện trong danh sách “30 under 30” của Forbes.Đạo luật mang tính bước ngoặt này tạo ra thay đổi toàn diện cho cách hệ thống tư pháp Mỹ xử lý chứng cứ và bảo vệ nạn nhân. “Sau khi bị tấn công, tôi không chỉ chiến đấu vì chính mình mà còn vì hàng triệu người khác không có tiếng nói. Tôi hét lên, và thế giới đã lắng nghe”, Amanda nói trong cuộc phỏng vấn với The Guardian.
Sau khi luật được ban hành, Amanda tiếp tục mở rộng ảnh hưởng với tổ chức phi lợi nhuận Rise, vận động quốc tế, thúc đẩy việc Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết Toàn cầu về quyền của nạn nhân tấn công tình dục vào năm 2022.
Cô được đề cử giải Nobel Hòa bình, được tạp chí TIME bình chọn là Người phụ nữ của năm, xuất hiện trong danh sách “30 under 30” của Forbes.
“Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ bước lên bục phát biểu tại Liên Hợp Quốc, nhưng tôi đã làm điều đó với trái tim của một người sống sót và khát vọng của người kiến tạo”, nữ phi hành gia nói.
Song hành với hoạt động xã hội, Amanda không bao giờ từ bỏ ước mơ thời thơ ấu là trở thành phi hành gia. Cô thực tập tại NASA và nghiên cứu tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian. Năm 2021, Amanda bắt đầu huấn luyện tại Viện Khoa học Hàng không Vũ trụ Quốc tế (IIAS) với chuyên ngành sức khỏe phụ nữ trong môi trường vi trọng lực.
Và Amanda đã làm được, được công nhận là phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ. Không chỉ được ghi nhận bởi những nỗ lực xã hội, Amanda còn trở thành biểu tượng văn hóa được truyền thông quốc tế ca ngợi. The Guardian gọi cô là “người biến đau thương cá nhân thành phong trào toàn cầu”, trong khi InStyle mô tả cô là “chiến binh nhân văn thời hiện đại”.
Năm 2024, Amanda Nguyễn phát hành hồi ký mang tên Rise: A Survivor's Journey from Silence to Power. Quyển sách thuật lại chi tiết hành trình Amanda Nguyen từ sinh viên chịu nỗi đau bị xâm hại đến người lãnh đạo phong trào toàn cầu.
Cuốn sách nhanh chóng vào hạng mục bán chạy nhất tại Mỹ và được giảng dạy tại nhiều đại học. Rise: A Survivor's Journey from Silence to Power được xem như tài liệu về chuyển hóa chấn thương và lãnh đạo xã hội. Trong sách, Amanda nói lên thông điệp mạnh mẽ: “Mỗi vết thương là một chương chưa viết. Tôi viết để những người khác được thấy mình và được chữa lành”.
Vượt lên nỗi đau, Amanda Nguyễn viết nên chương mới, không chỉ cho riêng mình. Hành trình vào không gian của khẳng định lại châm ngôn sống của Amanda và truyền động lực đến nhiều người: "Quá khứ không định nghĩa con người, chính cách họ lựa chọn đi tiếp quyết định bạn là ai".