Gần đây nhất diễn ra vụ việc truy bắt “Tuấn khỉ”, đối tượng có súng và rất manh động. Khi lực lượng chức năng đang tiến hành vây bắt thì một số người đã quay trực tiếp (live stream) lên MXH để kiếm view bất chấp hậu quả, gây nhiễu loạn thông tin và khó khăn cho lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ.
Hay nổi cộm là việc đưa tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua, Bộ Công an đã triệu tập 170 đối tượng để xem xét, xử lý. Đáng nói là những đối tượng này chỉ nghe lời đồn, hoặc tự bịa ra để gieo rắc hoang mang dư luận, nhằm mục đích tăng lượt theo dõi để bán hàng trên mạng. Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn, người đã nhẹ dạ, vô tình chia sẻ giúp những thông tin này lan rộng khắp không gian mạng và khó kiểm soát. Chị Nông Thu Trà, TP. Cao Bằng (Cao Bằng) chia sẻ: “Khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra, tôi có chia sẻ bài viết của một tài khoản MXH về việc đứa bé vừa sinh ra đã biết nói và theo đứa bé đó ăn 2 quả trứng luộc mỗi ngày sẽ chống được dịch bệnh”. Chị Trà chia sẻ thông tin lên trang cá nhân nhưng cũng không kiểm chứng được nguồn tin là thật hay giả. Sau khi người bịa ra thông tin này bị cơ quan chức năng triệu tập và bị phạt hành chính, chị mới biết việc gián tiếp chia sẻ những “tin vịt” của mình là vô tình tiếp tay cho những thông tin sai lệch, gây ra hoang mang cho dư luận.
Theo thống kê của Microsoft, có đến 39% người dùng MXH tại Việt Nam gặp phải những thông tin có tính chất bịa đặt, lừa đảo. Trong đó, không ít các trường hợp vi phạm Luật An ninh mạng qua các hành vi: Xúi giục, lôi kéo người khác phạm tội; xúc phạm, phân biệt đối xử về giới, tôn giáo… Điển hình là vụ việc một ca sĩ nổi tiếng đã kích động đám đông hành hung một người đàn ông và treo thưởng 20 triệu đồng. Hay một tài khoản MXH với hơn 70.000 người theo dõi phán ánh không đúng về chất lượng tỏi Lý Sơn, gây ảnh hưởng nặng nề về thương hiệu.
Thật dễ nhận ra, MXH không ảo, bởi đứng đằng sau những phát ngôn ảo là con người thật. Một phát ngôn sai trái, một thông tin chưa được kiểm chứng sẽ gây ra những tác động xấu đối với cá nhân, xã hội. Những phát ngôn dù của những người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng đối với cộng đồng hay của những cô, cậu học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường đều có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý, thể xác, cũng như tinh thần, kinh tế của người khác.
Đối với những thông tin sai sự thật, Luật An ninh mạng đã có những điều chỉnh, và kể từ ngày 15/4/2020, theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP, đối với những hành vi lừa đảo, tung tin sai sự thật lên MXH, mức xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng. Đây là một số tiền lớn để người dùng MXH cần biết và cân nhắc trước khi phát ngôn trên không gian MXH.
MXH mang lại những thông tin nhanh, đa chiều, nhưng cũng kèm theo những hệ quả không mong muốn nếu người dùng MXH không dùng đúng cách...