Điểm cao 1015 Các cựu chiến binh Sư đoàn 320 hầu hết đã lớn tuổi, nhưng với tinh thần của những người lính, các cựu chiến binh đã vượt qua quãng đường khó khăn và thời tiết khắc nghiệt của mùa khô Tây Nguyên để đến dâng hương, dâng hoa cho các đồng đội đã mãi mãi nằm lại ở Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049, nơi mà họ đã từng chiến đấu và nhiều đồng đội đã hy sinh còn nằm lại nơi đây.
Cựu chiến binh Vũ Văn Khì (75 tuổi, quê ở tỉnh Hải Dương), từng là chiến sĩ D18 - Sư đoàn 320 chiến đấu tại Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049 xúc động nói: Đây là lần đầu tiên tôi trở lại chiến trường xưa. Được thắp hương cho đồng đội thì kỷ niệm của người lính chúng tôi òa về càng làm tôi xúc động, không cầm được nước mắt. Đợt trở về chiến trường lần này, tôi rất vui mừng khi được gặp lại 7 người đồng đội cùng Tiểu đội đã từng chiến đấu cùng nhau năm xưa trên mảnh đất này. Với tôi, ước nguyện trở lại chiến trường xưa để thắp nén nhang cho đồng đội đã hy sinh đã thành hiện thực.
Các Cựu chiến binh Sư đoàn 320 và lãnh đạo tỉnh Kon Tum dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049Với vị trí chiến lược, Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049 do Tiểu đoàn Dù số 2 (thuộc Lữ đoàn Dù II) Quân lực Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ là tuyến phòng thủ rất quan trọng của địch. Vì thế, từ ngày 30/3/1972, Trung đoàn Bộ binh 52 và Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 48, Tiểu đoàn 19 Đặc công thuộc Sư đoàn 320, cùng với quân và dân địa phương đã tấn công để tiêu diệt 2 điểm cao, nhằm phá vỡ tuyến phòng thủ quan trọng này.
Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, không sợ hy sinh, ta đã đánh chiếm Sở chỉ huy của địch, làm chủ Điểm cao 1049 trong nhiều giờ, tiêu diệt phần lớn Tiểu đoàn Dù số 2. Sau đó, địch tăng cường chi viện từ các điểm cao lân cận, đồng thời dùng máy bay, pháo đánh phá dữ dội, nhiều lần phản kích chiếm lại trận địa.
Trận đánh tại cao điểm này diễn ra giằng co và vô cùng cam go, khốc liệt. Đến ngày 21/4/1972, Tiểu đoàn Dù số 2 bị tiêu hao phần lớn sinh lực, thất thủ tháo chạy. Bộ đội ta đã làm chủ hoàn toàn 2 điểm cao quan trọng này.
Công trình Nhà bia di tích lịch sử tại Điểm cao 1049Chiến thắng tại Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049 có ý nghĩa rất to lớn, mở màn cho Chiến dịch Xuân - Hè 1972 trên đất Tây Nguyên, phá vỡ tuyến phòng thủ phía Tây sông Pô Kô của địch, đánh bại âm mưu ngăn chặn của chúng, góp phần quan trọng, tạo thế phát triển cho toàn chiến dịch và tạo điều kiện thuận lợi để giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh.
Đại tá Nguyễn Thế Tân, Nguyên Sư đoàn Trưởng Sư đoàn 320 bùi ngùi kể: Cuộc chiến diễn ra ở trên 2 điểm cao này từ ngày 12/4/1972 đến ngày 15/4/1972 rất ác liệt, chúng tôi đã dành chiến thắng và rất nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại nơi này. Ngày hôm nay, chúng tôi lại lên đây để thắp nén hương như được tâm sự và tri ân với những đồng đội đã nằm lại mãi mãi không về.
Để tri ân những cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đặc biệt là tại Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049, tháng 12/2017, Ban Liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng và cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 đã tham gia gần 1.600 ngày công, đóng góp kinh phí hơn 2 tỷ đồng xây dựng công trình Nhà bia di tích lịch sử tại Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049. Công trình hoàn thành trong tháng 4/2018, mỗi nhà bia có diện tích 269m2, với các hạng mục bia đá, nhà bia và khuôn viên xung quanh.
Các Cựu chiến binh cùng lưu lại những bức ảnh khi thăm lại Điểm cao 1015“Công trình này ngoài việc tri ân những cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 320 còn là nơi để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay mãi mãi ghi nhớ công ơn của những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, để chúng ta có được một đất nước hoà bình, độc lập, tự do và cuộc sống ấm no, hạnh phúc hôm nay”, Đại tá Nguyễn Thế Tân, nguyên Sư đoàn Trưởng Sư đoàn 320 mong muốn.
Được gặp gỡ các Cựu chiến binh Sư đoàn 320 và nghe bài hát "Một vùng đồng đội": “Người tướng già đứng khóc trong hoàng hôn Kon Tum. Dưới kia, dòng Pô Kô vẫn chảy, suốt mùa mưa rồi lại mùɑ khô… Cả đời trận mạc tám mươi tuổi tìm về. Một không mười lăm một vùng đồng đội… Tháng tư này đã mấy chục mùa hoa. Các em nằm đây. Mấy chục năm hoa vẫn chỉ một mùa…”, trong tôi, luôn khắc ghi những câu từ day dứt của bài hát và trân trọng những hy sinh của thế hệ cha ông cho Tổ quốc hôm nay; cảm phục trước tình cảm của những người Cựu chiến binh với đồng đội đã hy sinh tại 2 điểm cao này.