Cơn mưa thử thách tình yêu Xòe
Buổi lễ diễn ra những cơn mưa, có lúc nặng hạt. Thế nhưng, người dân và du khách vẫn bất chấp đội mưa, ngay ngắn xếp hàng qua cửa an ninh để vào trong sân. Với nhiều du khách, họ đã trải qua hàng trăm cây số để được chứng kiến màn đại Xòe, do đó không có lý do gì để cản bước. Với những người Thái, đây là niềm tự hào, là sự kiện được chờ đợi đặc biệt là những diễn viên đã cố gắng cả tháng trời để tập luyện.
Chị Hoàng Thị Mai, xã Phú Trạng (Nghĩa Lộ) một trong những người sẽ biểu diễn màn đại Xòe xúc động nói, thật tiếc vì hôm nay mưa, nhưng không vì thế mà chúng tôi bỏ cuộc. Chúng tôi đã tập luyện gần một tháng nay, những ngày tập luyện dù gặp mưa thì chúng tôi vẫn tập để đón chờ đến ngày hôm nay biểu diễn. Do đó, dù có mưa nhưng chị và các diễn viên vẫn cứ biểu diễn hết mình để phục vụ du khách.
Trong thời khắc lịch sử đến, hàng dài những cô gái Thái xếp hàng từ cổng vào của sân vận động thị xã Nghĩa Lộ đón các đại biểu, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị khách quốc tế. Màn văn nghệ chào mừng đặc sắc thể hiện giữa cơn mưa nặng hạt, trước hàng triệu người ở sân vận động và khán giả thưởng thức qua truyền hình.
Tại buổi Lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đã phát biểu, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đồng chí Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO); các bộ, ban, ngành Trung ương; các địa phương; các tổ chức, cá nhân có liên quan; đã luôn quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ, lưu giữ, trao truyền, bảo tồn, tuyên truyền, quảng bá và phát huy giá trị của “Nghệ thuật Xòe Thái”.
Chủ tịch Trần Huy Tuấn nhấn mạnh: "Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO hôm nay là dịp để chúng ta tôn vinh di sản với sức sống mãnh liệt; tôn vinh và tri ân những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng và lớp lớp nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; đồng thời thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong đời sống đương đại".
Tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, trân trọng sự đóng góp không ngừng nghỉ của các thế hệ nghệ nhân dân gian, cộng đồng dân tộc Thái đã nâng niu, trao truyền, gìn giữ di sản văn hóa đặc sắc vô giá này thông qua những hình thức sinh hoạt và giao lưu phong phú, đa dạng.
Thủ tướng biểu dương những nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, các bộ, cơ quan và địa phương liên quan, các nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu đã đóng góp tích cực để bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật Xòe Thái nói riêng, các di sản văn hóa của Việt Nam nói chung.
Và giây phút được đón chờ đã đến, triệu nhịp tâm hồn của đồng bào các dân tộc Tây Bắc hòa với triệu triệu trái tim của Nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài khi chứng kiến những thời khắc đầy ý nghĩa “Nghi lễ Trao - Nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những những tràng pháo tỏa sáng khắp cả sân khấu, những cái ôm, cái nắm tay… Không có ngôn từ nào có thể diễn ra cảm xúc vào thì khắc này.
Để lại hơi ấm bàn tay
Nối tiếp niềm hân hoan trong hạnh phúc, Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản”, đã mang đến cho khán giả một không gian nghệ thuật vô cùng đặc sắc, với những câu chuyện tái hiện cội nguồn, những nét văn hóa độc đáo nhất, tinh túy nhất, đặc sắc nhất trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Thái ở Tây Bắc Việt Nam.
Trong Chương I, “Thiên di - Dựng bản lập mường”, là câu chuyện tái hiện truyền thuyết từ hàng ngàn năm trước, thủa “tạo đi tìm mường”, hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần đã dẫn dắt các họ người Thái làm nên những cuộc thiên di lịch sử. Sau nhiều thế kỷ, tiếp nối đời này qua đời khác, người Thái đã xuôi theo các dòng sông, con suối và những thung lũng trù phú, để dựng bản, lập mường, khai phá những vùng đất mới và tạo nên những cánh đồng lúa rộng lớn “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” của vùng Tây Bắc.
Tiếp nối Chương II-Miền di sản, đã thể hiện những nét văn hóa độc đáo trong đời sống của cộng đồng người Thái Tây Bắc Việt Nam qua những hoạt cảnh: Tắm suối, Hạn Khuống, Đám cưới - Tằng cẩu, Dệt thổ cẩm.
Đặc biệt, Chương “Tinh hoa Nghệ thuật Xòe” là những màn trình diễn nghệ thuật Xòe Thái rất hoành tráng, đẹp mắt, độc đáo, với sự tham gia của 2.022 nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên nghệ thuật chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng; Thể hiện qua những hình tượng mang ý nghĩa văn hóa và nhân văn sâu sắc như: Hình tượng xòe cộng đồng với các vòng tròn tượng trưng cho 04 cộng đồng người Thái ở các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên, mang thông điệp đoàn kết, giao thoa, chan hòa.
Hình tượng vòng thời gian thể hiện giá trị tinh thần độc đáo được lưu truyền ngàn đời trong nghệ thuật Xòe của người Thái; hình tượng hoa văn thổ cẩm thể hiện ứng xử với thiên nhiên, con người, muôn màu thiên nhiên hòa trong bức tranh thổ cẩm Tây Bắc;
Hình tượng “Khau cút” thể hiện nét văn hóa độc đáo trong kiến trúc nhà sàn của người Thái, ẩn chứa những quan niệm sâu sắc về cuộc sống và cội nguồn dân tộc; hình tượng hoa ban nở tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết, bừng sáng của núi rừng Tây Bắc mỗi dịp Xuân về.
Kết thúc chương trình, các đại biểu và du khách cùng nắm tay hòa vào những vòng Xòe bất tận, thể hiện tinh thần đại đoàn kết cộng đồng và chúc mừng Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; chúc mừng Lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022 thành công tốt đẹp.
Ngọn lửa chưa tắt, chúng em vẫn Xòe
Sau màn kết thúc, mặc dù những cơm mưa nặng hạt, nhưng ngọn lửa giữa sân vẫn bùng cháy và hàng trăm người vẫn cầm tay nhau, đồng thanh vừa hát, vừa Xòe: Đêm nay với điệu xòe/ Rộn ràng trong tiếng hát/ Trao nhau giữa vòng xòe/ Nụ cười và ánh mắt/ Thương nhau nắm tay nhau/ Để lòng thôi không nói/ Ngân lên khúc nhạc xòe/ Tưng bừng như suối hát…
Say sưa với trong vòng Xòe em Lò Thị Hoa đến từ Sơn La bày tỏ, “ngọn lửa chưa tắt , chúng em vẫn Xòe".
Có thể nói, sự kiện Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, một lần nữa khẳng định giá trị đặc biệt của Xòe Thái. Việc tổ chức thành công Lễ đón nhận thể hiện sự quyết tâm, đồng sức, đồng lòng phối hợp cùa tỉnh Yên Bái với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; đặc biệt là tinh thần, tình yêu văn hóa đồng bào dân tộc Thái, góp phần để các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam, ngày càng lan tỏa sâu rộng và hòa cùng dòng chảy của tinh hoa văn hóa nhân loại.