Tại phiên họp, kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 386 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 78,14 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Trước đó, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo đó, tại Kỳ họp thứ 6 (ngày 27/10/2023), Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; có 27 lượt ý kiến ĐBQH phát biểu tham gia, 1 ý kiến phát biểu tranh luận và 1 ĐBQH gửi ý kiến tham gia. Cơ bản ý kiến của các vị ĐBQH tán thành với dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý; đồng thời đánh giá Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật được chuẩn bị chu đáo, giải trình khá toàn diện các ý kiến tham gia.
Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, bổ sung vào một số nhiệm vụ độc lập của lực lượng này tại các Điều 7, 8, 10 và 12 dự thảo Luật để thể hiện quyền hạn gắn liền với nhiệm vụ, trách nhiệm của lực lượng này khi thực hiện các nhiệm vụ độc lập.
Về nguyên tắc tổ chức, hoạt động (Điều 4) và quan hệ công tác, phối hợp, hỗ trợ trong tổ chức, hoạt động, thực hiện nhiệm vụ (Điều 5), UBTV Quốc hội xin tiếp thu, chỉnh lý khoản 2 Điều 4 và các quy định có liên quan tại Điều 3 và khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật để xác định rõ lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chịu sự lãnh đạo “toàn diện” của cấp ủy Đảng, sự quản lý, “chỉ đạo, điều hành” của UBND cấp xã.
Liên quan đến nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Chương II), UBTV Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, bổ sung, chỉnh lý đối với các nội dung quy định về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, không trùng lặp với nhiệm vụ chung của Công an cấp xã, thống nhất với các quy định có liên quan trong hệ thống pháp luật; đồng thời, xác định rõ trách nhiệm liên đới của Công an cấp xã là: “Công an cấp xã chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật”.
Rà soát bổ sung một số nhiệm vụ độc lập phù hợp với vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại khoản 2 Điều 7, khoản 2 Điều 8 và khoản 2, khoản 3 Điều 10 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua nhằm phát huy tối đa vai trò của lực lượng này và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Về tiêu chuẩn tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Điều 13), UBTV Quốc hội xin tiếp thu và đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lý cụ thể tại Điều 13 dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua để quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia là từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi, trường hợp trên 70 trở lên mà bảo đảm sức khỏe thì Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã; chỉnh lý quy định trình độ văn hóa là có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên; đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học.
Liên quan đến việc bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (Mục 2 Chương III), Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, sau khi có yêu cầu của UBTV Quốc hội, Chính phủ đã có Báo cáo số 518 ngày 6/10/2023 đánh giá tác động về biên chế, kinh phí và điều kiện bảo đảm cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo báo cáo của Chính phủ, với việc hình thành Tổ bảo vệ an ninh trật tự và dự tính kinh phí thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn hiện nay. Các thành viên Đảng đoàn Quốc hội đồng ý với nội dung Chỉnh phủ giải trình. Do đó, UBTV Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Luật thông qua.
Một số ý kiến đề nghị quy định khung mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, mức bồi dưỡng cho lực lượng này hoặc quy định khung theo vùng, miền. Có ý kiến cho rằng, đây là lực lượng tự nguyện, tự quản do cộng đồng thành lập nên do cộng đồng đóng góp để chi trả, không được sử dụng ngân sách nhà nước. Về vấn đề này, UBTV Quốc hội đề nghị kế thừa pháp luật hiện hành, quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để phù hợp với thực tế điều kiện ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của Luật.