Khoảng 25 năm trở về trước, “đặc sản” số 1 của Huế là nón bài thơ chứ không phải mắm tôm, mè xửng. Thời hoàng kim, làng nón bài thơ nổi tiếng nhất là Tây Hồ (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế). Ở đây, tất cả phụ nữ và trẻ em đều biết chằm nón.
Để làm hoàn thành một chiếc nón, các nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến chằm hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh dầu bóng. Biểu tượng trong chiếc nón bài thơ, là hình ảnh sông Hương, Cầu Trường Tiền, Núi Ngự Bình, Ngọ Môn, Phu Văn Lâu, Cầu Ngói Thanh Toàn... Đi kèm là một số câu thơ viết về Huế được cắt bằng giấy bóng, nổi bật giữa nền xanh trắng của lá nón.
Trong các loại nón nổi tiếng nhất vẫn là nón bài thơ Tây Hồ, thuộc vào nhóm hàng thủ công mỹ nghệ để du khách mua về làm quà. Nón Tây Hồ mỏng, nhẹ, thanh tao và cân đối nhưng rất bền. Chiếc nón lá màu trắng xanh, rất nhẹ và mát.
Trong số rất nhiều làng nghề chằm nón phồn thịnh trước đây, hiện nay chỉ còn một số ít làng nón hoạt động dựa vào các dịch vụ kinh doanh du lịch. Để bảo tồn nghề làm nón, Thừa Thiên - Huế đã có nghị quyết bảo tồn nghề nón. Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ “Chứng nhận việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nón Huế ”.
Theo đó, khu vực địa lý nón lá Huế được xác định gồm vùng lá nón là huyện A Lưới và huyện Nam Đông. Vùng cung cấp vành nón là xã Bình Điền (huyện Hương Trà). Vùng sản xuất khung nón là phường Phước Vĩnh (TP. Huế) và xã Phú Mỹ (huyện Phú Vang). Các làng nghề chằm nón Huế gồm 2 phường: An Hòa, Phước Vĩnh (TP Huế) và 5 xã: Phú Mỹ, Phú Hồ, Phú Diên, Phú An, Phú Dương cùng thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang).
Với “lối mở” này, nghề làm nón Huế đang từng bước được bảo tồn, phát huy, tạo thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc phục vụ du khách trong và ngoài nước khi ghé thăm đất Cố đô.