Lầm lũi đường đời…
Mồ côi bố hoặc mẹ, bố mẹ bỏ nhau hoặc đi làm ăn xa phải ở với người thân… trong khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Những đứa trẻ có hoàn cảnh như vậy, tôi đã gặp rất nhiều trong bao chuyến ngược ngàn lên huyện vùng cao Tương Dương.
Câu chuyện của cháu Lô Thị Diệp Linh, (SN 2012) dân tộc Thái ở bản Na Ca, xã Nga My là một ví dụ. Hoàn cảnh của Diệp Linh không đẹp như cái tên của cháu. Mẹ mất đột ngột, anh trai sinh năm 2002 đi làm ăn xa, Linh sống lủi thủi với người bố khuyết tật mắt trong ngôi nhà nhỏ ven Quốc lộ 48C. Từ một gia đình đủ đầy tình cảm, không đến nổi thiếu ăn thiếu mặc… phút chốc cuộc đời Diệp Linh đầy khoảng trống trong tổ ấm đặc biệt khó khăn nhất bản, nhất xã. Ước mơ mà Linh đang đeo đuổi, chính là có đủ sức khỏe, có một công việc để kiếm tiền nuôi bố và lo cho gia đình.
Gà trống nuôi con, người đàn ông khuyết tật Lô Văn Kháy trầm tư: Tôi bị hỏng một mắt, mắt còn lại gần như không thấy gì. Cũng vì thế mà cuộc sống gia đình quá khó khăn, các con tôi cũng bị “vạ lây” vì hoàn cảnh không may đó.
Còn với Lìn Văn Anh ở bản Na Bè, người dân tộc Khơ Mú, xã Xá Lượng lại là cậu bé sớm mồ côi bố. Thiếu vắng người đàn ông trụ cột, mẹ của Lìn một nách hai vai mà vẫn khó khăn. Thế rồi, bất cứ việc gì, ai thuê thì bà đều đảm nhận, chỉ mong có tiền để lo cho con cái ăn học. Thương mẹ vất vả, Văn Anh quyết tâm rằng: Sau này học xong, sẽ đi học nghề để đỡ đần gia đình, mong cho mẹ bớt khổ.
Những ước mơ như vậy… trong veo và đầy trách nhiệm khiến người nghe rưng rưng. Chúng tôi cũng đã không cầm được lòng mình, khi đối diện với những số phận đắng cay, buồn tủi của những đứa trẻ miền sơn cước. Một cuộc khảo sát của những người có trách nhiệm ở huyện Tương Dương đã lọc ra hơn 260 cháu có hoàn cảnh thương tâm: mồ côi. nhiều cháu bố mẹ đi làm ăn xa, bố mẹ bỏ nhau…
Một điểm chung rất dễ dàng nhận ra ở những đứa trẻ ấy, là đã và đang đối mặt với cuộc sống nghèo khổ, vất vả, khó khăn… đủ bề. Có đứa, vì hoàn cảnh gia đình như vậy, đã phải bỏ học giữa chừng, sớm trở thành lao động chính trong nhà. Có đứa, phải ở với ông bà, nhưng đã già yếu, không lo nổi cho cháu con. Có đứa dù được ở với bố, hoặc mẹ nhưng nhà quá nghèo, cuộc sống quá khó khăn… thành ra đứt bữa, thất học luôn chực chờ…
Góp yêu thương
Không thể để những đứa trẻ có hoàn cảnh kém may mắn tiếp tục chịu đựng sự thiệt thòi; không thể vì hoàn cảnh gia đình mà các cháu thất học, đứt bữa…; Hội liên hiệp phụ nữ huyện Tương Dương đã cụ thể hóa chương trình hành động “Mẹ đỡ đầu” của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đồng hành, sẻ chia, đỡ đầu gian khó với các cháu bằng cả tinh thần lẫn vật chất.
Các cấp hội từ huyện đến cơ sở đã vào cuộc đầy tình thương yêu và trách nhiệm bằng việc mỗi tổ chức hội, cá nhân đảm nhận đỡ đầu các cháu. Hàng tháng, các cấp hội đã phân công cán bộ theo dõi, quan tâm nắm bắt tình hình của các cháu và gia đình, người thân của các cháu để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, tạo điều kiện cho các cháu được sống trong môi trường lành mạnh, an toàn. Sự hỗ trợ các cháu không chỉ dừng lại ở vật chất mà còn là sự thăm hỏi, quan tâm thường xuyên đến đời sống tinh thần, việc học tập, sinh hoạt, nhất là dịp lễ, tết, năm học mới…
Không chỉ trong hệ thống hội liên hiệp phụ nữ, các ban Đảng của Huyện ủy; các phòng ban của UBND huyện, các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài huyện Tương Dương đã cùng vào cuộc để lan tỏa thêm thông điệp “không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”. Cả huyện có 261 cháu mồ côi, thì đã có 187 cháu tại 17 xã, thị trấn được 43 cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có lòng hảo tâm nhận đỡ đầu, giúp đỡ.
Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Đinh Hồng Vinh cho biết: Mỗi hoàn cảnh đều được rà soát, xác minh cụ thể. Quá trình lập danh sách thì đã xếp theo thứ tự cần được đỡ đầu, hỗ trợ của từng trẻ. Chúng tôi mong sao có thêm nhiều tấm lòng hảo tâm hướng về trẻ em Tương Dương, nhất là những cháu kém may mắn để cuộc sống tương lai các cháu đỡ vất vả, khó khăn.
Dẫu không sống cùng bố, mẹ đỡ đầu… nhưng các cháu vẫn nhận đủ đầy những yêu thương và trách nhiệm. Các bố, mẹ đỡ đầu đã thường xuyên quan tâm, hỗ trợ để các con có điều kiện sinh hoạt, học tập, chăm sóc sức khoẻ tốt nhất. Đồng thời có sự định hướng nghề nghiệp cho các con trong tương lai.
Với những bố mẹ nuôi ở xa, mỗi chuyến công tác về cơ sở, hay định kỳ hàng tuần, hàng tháng… đều dành thời gian ghé thăm, chuyện trò, tâm sự cùng các con. Khoảng thời gian gặp gỡ không nhiều, nhưng sẽ là khoảnh khắc thắp lên niềm tin yêu, lạc quan, vui tươi vào cuộc sống; để mỗi cháu nỗ lực hơn, tự tin hơn vào con đường học vì ngày mai lập nghiệp của mình.
Hỏi về nguồn gây quỹ hoạt động cho chương trình này, nhiều tổ chức cho biết, ngoài vận động góp tâm từ các hội viên, thì đã sáng tạo nhiều hoạt động để gây quỹ ủng hộ như hoạt động giao lưu văn nghệ, rửa xe, bán hàng, gom phế liệu…
Hiện tại, trên địa bàn huyện Tương Dương vẫn còn 73 trẻ em mồ côi và nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ. Những hoạt động giúp đỡ, dù là rất nhỏ, chính là đang chắp thêm đôi cánh ước mơ vào tương lai cho các cháu.
Chợt nhận ra rằng, những bố mẹ đỡ đầu chính là người đang vá víu nỗi đau, đang lấp đầy khoảng trống vắng trong trái tim non nớt của những đứa trẻ miền sơn cước bằng tình yêu thương, bằng trách nhiệm và bằng cả hi vọng./.