Đồng chủ trì Phiên toàn thể gồm có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Giám đốc Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Trao đổi tại phiên toàn thể “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững”, các đại biểu đã có những tham luận xung quanh chủ đề “Động lực tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới”; “Chuyển đổi xanh và thách thức tăng trưởng kinh tế trung hạn”… Các đại biểu cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đứng trước những thách thức rất lớn trong ngắn hạn và trung hạn về mặt tốc độ tăng trưởng. Ngay cả khi không có nhiều thay đổi về cơ cấu kinh tế và phát huy được tác động tích cực của một số động lực tăng trưởng mới, thì việc đạt mục tiêu GDP tăng trưởng bình quân 6,5% trong giai đoạn 2021 - 2025 là vô cùng khó khăn.
Cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế Việt Nam là tiêu dùng nội địa, đầu tư và xuất khẩu đều không theo hướng chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Nếu tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng với 3 động lực truyền thống này, mà không có chính sách mang tính khuyến khích, để thay đổi hành vi trong tiêu dùng, đầu tư và sản xuất kinh doanh thì chắc chắn các mục tiêu về chuyển đổi xanh sẽ không đạt được.
Ts. Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng, việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, là các dự án có tiềm năng lớn, đầu tư vào lĩnh vực này mở đường cho các dòng đầu tư mới vào Việt Nam, sẽ là mũi tên trúng được nhiều đích, kích hoạt làn sóng đầu tư, tăng trưởng mới vào Việt Nam theo hướng bảo đảm chất lượng hơn.
Còn theo Ts. Cấn Văn Lực, kinh tế thế giới sau khi phục hồi mạnh mẽ năm 2021 (tăng 6%), đang giảm đà, xuống mức tăng 3% năm 2022 và dự báo khoảng 2,1 - 2,4% năm nay, trước khi tăng trở lại mức 2,4 - 2,7% năm 2024. Cùng với đó là những biến đổi sâu sắc về xã hội - môi trường chứng kiến chênh lệch giàu nghèo, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh chuỗi cung ứng, an ninh y tế, vấn đề thị trường lao động, già hóa dân số, tài nguyên nước, ô nhiễm môi trường… đều trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia.
Ts. Cấn Văn Lực cho biết, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo theo kịch bản cơ sở là 5,2 - 5,5%. Với kịch bản tiêu cực là kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, tận dụng được ít các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng dự báo là 4,4 - 4,5%. Tuy nhiên, với kịch bản tích cực là kinh tế thế giới sớm phục hồi, và khai thác được các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, đẩy mạnh liên kết vùng với việc thúc đẩy 2 động lực chính là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) tăng trưởng có thể đạt 5,5 - 6%.
Theo Ts. Cấn Văn Lực trong thời gian tới, cơ hội và thách thức đan xen, vì vậy muốn lấy lại đà phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi Quốc hội và Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách, giải pháp vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao khả năng chống chịu, củng cố các động lực tăng trưởng truyền thống vừa tạo không gian đủ rộng để khai thác hiệu quả các mô hình, động lực tăng trưởng mới, cho cả trước mắt và lâu dài.
Bàn về giải pháp ổn định các động lực tăng trưởng Ts. Nguyễn Đình Cung nêu rõ, nền kinh tế Việt Nam mở, tiếp tục mở rộng độ mở nhưng thực tế quá trình hội nhập có phần nào chậm lại, có thể có đứt gãy và thay đổi định hướng. Các nước phát triển thay đổi tư duy củng cố nền tảng tăng tính tự lực, tự cường, từ đó thay đổi chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, xu thế mới về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn… trở thành tiêu chuẩn, quy chuẩn của sản xuất, tiêu dùng ở những nước bạn hàng của Việt Nam. Vì vậy để duy trì tăng tưởng xuất khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi.
Trước bối cảnh trên, theo Ts. Nguyễn Đình Cung, cần làm sống động lại năng lực nội sinh của doanh nghiệp, để hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, không thể tiếp tục dựa trên lợi thế chi phí thấp mà phải đầu tư để thay đổi đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, chuyển đổi sản xuất xanh hơn, tuần hoàn, giảm phát thải. Phải đa dạng hóa thị trường. Phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa cho xuất khẩu, khuyến khích đổi mới sáng tạo, áp dụng khóa học công nghệ trở thành đo nội sinh để nâng cao năng lực cạnh tranh. Thay đổi chế độ khuyến khích đầu tư…
Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đã trao đổi bàn về nhiều giải pháp ổn định các động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam.
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Diễn đàn đã dành nhiều thời gian trọng tâm không chỉ vào các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự, ngắn hạn mà còn tiếp cận các vấn đề lớn, mang tính bao quát, những xu hướng mới định hình của thế giới, các động lực, các hướng đi mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam.
"Xét về ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, Việt Nam đều cần tập trung phát huy tối đa “nội lực”, trong đó đề cao, coi trọng năng lực nội sinh; tranh thủ, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, kiến tạo động lực tăng trưởng mới, là “chìa khóa” để thích ứng, chống chọi và phát triển trong bối cảnh mới nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng. Đây là những nội dung hết sức quan trọng trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cũng là thông điệp xuyên suốt, nhất quán, gắn liền với chủ đề của Diễn đàn hôm nay", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ngay sau khi kết thúc Diễn đàn, Ban Tổ chức sẽ có Báo cáo tổng thuật với đầy đủ kết quả của Diễn đàn gửi đến các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ để nghiên cứu, hoạch định các chủ trương, chính sách, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, gửi đến các vị Đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho các nội dung sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới.