Đây là buổi Họp báo đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và diễn ra sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 diễn ra cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Phát biểu tại Họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 diễn ra trong bối cảnh cả nước vừa tổ chức đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, hiệu quả; tạo không khí hân hoan, tinh thần phấn chấn để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra cho năm 2023 và thời gian tới.
Tại phiên họp này, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương đã đánh giá tình hình KT-XH tháng 1, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 2 và thời gian tới; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; việc triển khai các nhiệm vụ sau Tết theo Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ và nhiều nội dung quan trọng khác.
Theo đó, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thống nhất nhận định: Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tết Quý Mão năm 2023, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt tổ chức Tết Nguyên đán đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; mọi người, mọi nhà đều có Tết; bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội phong phú, lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi; các lực lượng tổ chức ứng trực đầy đủ, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, qua đó ngăn ngừa tai nạn giao thông và các vụ việc gây mất trật tự an toàn xã hội…
Ngay sau kỳ nghỉ Tết, Thường trực Chính phủ đã họp đánh giá tình hình Tết và các nhiệm vụ, giải pháp sau Tết. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực, bắt tay ngay vào công việc theo các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với quyết tâm cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Tình hình KT-XH tháng 1/2023 tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước đạt 11,3% dự toán; xuất siêu 3,6 tỷ USD. An ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm. Cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ổn định và có tăng trưởng. Số lượng gia súc, gia cầm chủ yếu tăng so với cùng kỳ; thủy sản đạt trên 593.000 tấn, tăng 0,2% so cùng kỳ. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm đầu tháng 1 tăng 0,2% so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, thời gian tới, dự báo tình hình có nhiều khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, bám sát các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ được giao, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
Về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn còn lại (14,1 nghìn tỷ). Đánh giá khả năng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh trước ngày 15/2.
Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, đổi mới cách nghĩ, cách làm, xây dựng chính sách, dự án có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp đặc thù riêng của địa phương.