Tham dự và đồng chủ trì Hội thảo gồm: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang; Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng; Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình và Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang Trần Thị Thanh Hương. Tham dự còn có Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hữu Thịnh, cùng các đại diện lãnh đạo các sở, ngành và các nhà khoa học nhà nghiên cứu trong, ngoài tỉnh An Giang.
Theo Ban Tổ chức, Hội thảo đã tập hợp 95/166 bài tham luận với 6 chủ đề: Quá trình hình thành, di dân lập ấp, chính sách khai hoang, mở rộng các dinh điền phát triển kinh tế - xã hội thời nhà Nguyễn; Công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước của Nhân dân An Giang; Những doanh nhân, nhân vật lịch sử, địa danh gắn liền với vùng đất An Giang; Vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh An Giang qua 92 năm hình thành và phát triển; Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh An Giang; An Giang trên bước đường đổi mới, hội nhập và phát triển…
Thông qua các bài tham luận, các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc, sự dung hợp tôn giáo được làm rõ, đã góp phần khẳng định vị trí, vai trò và những đóng góp to lớn của vùng đất và con người An Giang trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Hội thảo cũng có nhiều đề tài về bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh, như: Cộng đồng người Hoa trên vùng đất Châu Đốc; Người Chăm Islam ở An Giang; Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh An Giang hiện nay; Đua bò Bảy Núi ở An Giang - nhìn từ góc độ phát huy giá trị văn hóa phi vật thể… Đây là những tư liệu làm rõ hơn bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, đồng thời cũng đánh giá thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh An Giang hiện nay và giải pháp khai thác, phát huy hiệu quả trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang nhấn mạnh: Đây là hoạt động chào mừng Kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh. Hội thảo nhằm làm rõ luận cứ khoa học và ý nghĩa lịch sử của quá trình hình thành, phát triển tỉnh An Giang, nêu bật những giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của Nhân dân An Giang, cũng là dịp thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đối với các thế hệ cha ông; đồng thời, hun đúc thế hệ hôm nay và mai sau có trách nhiệm ghi tiếp những trang sử vàng chói lọi của dân tộc; góp phần xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp, văn minh.