Báo cáo tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Phó Trưởng ban điều hành Dự án 8, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội LHPN các cấp tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ trì, tham mưu, phối hợp với các ngành liên quan trong xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách triển khai Dự án 8.
Tính đến ngày 10/5/2024, một số chỉ tiêu của Dự án đã vượt, tiêu biểu như: củng cố/thành lập mới "Địa chỉ tin cậy cộng đồng”, vượt 809 địa chỉ; “Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị”, vượt 611 người; nhiều tỉnh đã đạt và vượt một số chỉ tiêu của Dự án; Hội LHPN 10 tỉnh, thành phố tự chủ ngân sách đã chủ động thực hiện các nội dung, chỉ tiêu của Dự án phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Các hoạt động của Dự án 8 bước đầu đã có tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò, sự tham gia của những Người có uy tín tại cộng đồng, trưởng thôn, bản trong thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Dự án 8 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc: Công tác phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh với các sở, ngành có nơi chưa chặt chẽ, còn lúng túng, vướng mắc trong cách hiểu và áp dụng Thông tư 55/2023/TT-BTC giữa cơ quan thực hiện và cơ quan thẩm định, kiểm soát ngân sách ở một số địa phương dẫn đến quy trình lập, phê duyệt kế hoạch, dự toán ngân sách còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hoạt động trong 6 tháng đầu năm. Một số chỉ tiêu, hoạt động của Dự án khó thực hiện.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, cho biết, Dự án 8 được triển khai ở 96 xã, 318 thôn đặc biệt khó khăn của 12 huyện, thị xã. Trong thời gian đầu triển khai gặp rất nhiều khó khăn, nhất là liên quan đến vấn đề cơ chế tài chính, công tác phối hợp, kiểm tra giám sát. Tuy nhiên, với sự nỗ lực cố gắng, các hoạt động đã được triển khai phù hợp.
Bà Ngô Thị Hồng Hảo cũng kiến nghị, khi xây dựng mô hình điểm của Dự án thì cần thường xuyên thực hiện các hội nghị tổng kết, đánh giá; phải làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn. Tăng cường công tác nắm bắt tình hình, kiểm tra giám sát tranh thủ lồng ghép các nguồn lực để xây dựng các mô hình cốt lõi đạt hiệu quả.
Bà Hoàng Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hòa Bình, cho rằng, việc triển khai Dự án 8 góp phần khẳng định, nâng cao vị thế, uy tín của tổ chức Hội, cũng như khẳng định năng lực quản lý của cán bộ Hội. Bên cạnh đó, các nội dung, mô hình của Dự án đã tác động rõ rệt đến các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em trên địa bàn như phòng chống xâm hại tình dục, tảo hôn.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Trưởng ban điều hành Dự án 8, cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, tất cả các tỉnh/thành trên cả nước, trong đó có 40 tỉnh có nguồn ngân sách Trung ương phân bổ và 10 tỉnh tự chủ ngân sách, đều đã rất cố gắng, nỗ lực để có được kết quả trong triển khai các mục tiêu của Dự án 8. Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đánh giá cao tinh thần chủ động, cố gắng nỗ lực, đeo bám và vượt qua những khó khăn của Hội LHPN tỉnh/thành để đạt được những kết quả ban đầu.
Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Trung ương Hội tiếp tục đôn đốc các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đảm bảo các mục tiêu của Dự án; mặt khác, ban chuyên môn và các đồng chí Thường trực Đoàn Chủ tịch phụ trách đã rất cố gắng nỗ lực, thường xuyên làm việc, kết nối với Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Trong quá trình thực hiện, có những chỉ tiêu rất khó nhưng một số địa phương đã làm tốt. "Chúng tôi đề nghị các chị hãy học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Khó nhưng không có nghĩa là không làm được, có những nơi đã làm rất tốt", Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh. Đồng thời đề nghị Hội LHPN các tỉnh/thành ở các địa phương tham mưu thật tốt cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện Dự án.
Bên cạnh đó, thường xuyên kết nối với Ban Thường trực của Dự án để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy quá trình triển khai để đạt mục tiêu cao nhất của Dự án 8.
Tại 40 tỉnh được phân bổ ngân sách từ Trung ương tập trung triển khai có hiệu quả các mô hình cốt lõi của Dự án. Theo đó, trong 6 tháng đã thành lập 1.001 tổ truyền thông cộng đồng (nâng tổng số tổ lên 8.624/9.000 tổ), truyền thông cho 368.302 người dân tại cộng đồng (đạt 95,8% chỉ tiêu giai đoạn 1); Thành lập, củng cố 347 địa chỉ tin cậy (nâng tổng số lên 1.809/1000 địa chỉ tin cậy), hỗ trợ, tư vấn cho khoảng 49.339 phụ nữ, trẻ em, vượt chỉ tiêu giai đoạn 1; Thành lập 424 CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi (nâng tổng số CLB lên 1.556/1800 CLB), tuyên truyền cho 113.610 trẻ em, đạt 86,4% chỉ tiêu giai đoạn 1; Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ cho 135/500 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã…
Ngoài ra các tỉnh đã tổ chức tập huấn về kỹ năng lãnh đạo quản lý cho 2.611/2.000 cán bộ nữ; Tổ chức 21 cuộc tập huấn cho cán bộ huyện, xã để nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị; Tổ chức 180 cuộc tập huấn cho trưởng thôn/bản, Người có uy tín cho 41.614 người; ...