Phát biểu tại phiên họp, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH nhấn mạnh: Thời gian vừa qua, các địa phương trên toàn quốc vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 nhằm sớm đưa đất nước vượt qua khó khăn, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo. Trong đó, Quốc hội, Chính phủ tin tưởng giao cho NHCSXH những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do đó, ngay từ những tháng đầu năm, bám sát những chỉ đạo của HĐQT, Ban điều hành NHCSXH đã chỉ đạo cán bộ, người lao động tập trung, tích cực triển khai toàn diện mọi mặt hoạt động.
Đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt 286.619 tỷ đồng, tăng 29.844 tỷ đồng so với năm 2021. Nguồn vốn ủy thác từ địa phương chuyển sang NHCSXH thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội đạt 28.394 tỷ đồng, tăng 3.692 tỷ đồng so với năm 2021.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 273.541 tỷ đồng, tăng 25.571 tỷ đồng so với cuối năm 2021 với hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang được vay vốn. Đặc biệt, NHCSXH đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Đến ngày 30/6/2022, toàn hệ thống NHCSXH đã thực hiện tăng trưởng dư nợ các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP là 8.896 tỷ đồng với hơn 213 nghìn khách hàng vay vốn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 495,9 nghìn lao động, giúp hơn 3,1 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 12,8 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân gần 65,6 nghìn hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính và thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên; giúp gần 1,1 nghìn lượt doanh nghiệp vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh trả lương cho khoảng 155 nghìn người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; xây dựng gần 921 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 703 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; hơn 4,4 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách…
Bên cạnh tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách, chất lượng nợ tiếp tục được duy trì ổn định. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,7%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,2%.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Chủ tịch HĐQT yêu cầu toàn hệ thống tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt công tác huy động các nguồn vốn; làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn; đẩy mạnh cho vay các chương trình tín dụng chính sách; kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu về vốn của các đối tượng thụ hưởng, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao và đảm bảo khả năng thanh khoản của toàn hệ thống...
Bên cạnh đó, NHCSXH phối hợp với các Bộ ngành, các đơn vị có liên quan và chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức Tổng kết 20 năm thực hiện tín dụng chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP tại địa phương. Tiếp tục tập trung thực hiện chuyển đổi số, triển khai các dự án trọng tâm nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng toàn diện cho các đối tượng khách hàng của NHCSXH.