Xã Cư né có 14 buôn và 7 thôn, khoảng hơn 3.700 hộ, hơn 16.000 nhân khẩu, trong đó khoảng 60% đồng bào DTTS, chủ yếu dân tộc Ê Đê. Những năm qua, tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp trên địa bàn xã, trong đó, đối tượng liên quan đến tội phạm ma túy hầu hết là đồng bào DTTS tại các buôn.
Theo Thiếu tá Tạ Quang Vĩnh Duy, Trưởng Công an xã Cư Né, ma túy xuất hiện trên địa bàn xã Cư Né khoảng hơn chục năm trước. Trong 3 năm qua, lực lượng công an đã đưa được 18 người đi cai nghiện bắt buộc. Hiện Công an xã đã lập hồ sơ quản lý 20 người nghiện, trong đó đồng bào DTTS chiếm 80%. Ngoài tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã, lực lượng công an triển khai các mô hình, trong đó mô hình “Buôn Kmu-hai không một giảm về ma túy” đã phát huy hiệu quả bước đầu.
Mô hình có 2 tổ với 8 thành viên, chủ yếu là già làng, Người có uy tín, Ban tự quản buôn. Với mục tiêu của mô hình hai không một giảm về ma túy là: “không trồng cây chứa chất ma túy, không có tụ điểm phức tạp về ma túy, giảm số người nghiện”, nhằm quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy tham gia cai nghiện cộng đồng và tái hòa nhập; kiên quyết không để hình thành điểm nóng, tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự. Đồng thời, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của quần chúng Nhân dân trong phòng, chống ma túy và trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc.
Theo đó, trong các buổi sinh hoạt buôn, các tổ tuyên truyền phối hợp với ngành chức năng tuyên truyền, vận động người dân trồng cây có chứa chất ma túy; không tham gia mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy; tích cực tham gia công tác nắm tình hình, phát hiện và tố giác hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, hỗ trợ lực lượng chức năng phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm…
Từ khi triển khai mô hình “Buôn Kmu-Hai không một giảm về ma túy”, già làng Y Sut Kbuôr (60 tuổi) trở thành nhân tố tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân. Trăn trở, lo lắng khi thấy thanh niên trong buôn, cũng như một số buôn lân cận bị lôi kéo vào con đường nghiện ngập, ông Y Sut thường xuyên đến những nhà có thanh niên gặp gỡ, nhắc nhở thanh niên tránh xa ma túy, không nghe lời dụ dỗ của người khác thử dùng ma túy, báo cho công an khi phát hiện người buôn bán, sử dụng ma túy. Riêng đối với con cháu của mình, hàng ngày ông tâm sự, khuyên nhủ tập trung học hành, chăm lo làm việc, phát triển kinh tế.
Đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy trong các buôn làng một cách hiệu quả, đẩy lùi tệ nạn ma túy, giảm thiểu số người nghiện ma túy, cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Trong đó, đội ngũ già làng, Người có uy tín đóng vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động.
Ông Y Loan Mlô, Người có uy tín buôn Kmu không chỉ tích cực phối hợp cùng lực lượng chức năng tuyên truyền trong các cuộc họp buôn, mà còn thường xuyên đến từng nhà vận động Nhân dân phòng ngừa ma túy vào buôn làng. Bằng uy tín, trách nhiệm, sự hiểu biết của mình, ông Y Loan đã giúp người dân buôn Kmu hiểu tác hại của ma túy, tránh xa ma túy.
Ông Lê Minh Cảnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy, Công an huyện Krông Búk chia sẻ: lực lượng chức năng còn tranh thủ Người có uy tín, già làng tuyên truyền cho người dân về tác hại của ma túy, đồng thời vận động người dân chung tay phòng ngừa loại tội phạm này. “Lực lượng Người có uy tín được người dân tin tưởng, nể phục, nên tiếng nói của họ có tác động tư tưởng, tâm lý đến người dân và các đối tượng. Khi lực lượng chức năng phối hợp với đội ngũ Người có uy tín thì công tác tuyên truyền cũng hiệu quả hơn”.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của mô hình, ông Lục Duy Phương, Chủ tịch UBND xã Cư Né cho rằng, mặc dù triển khai chưa lâu, nhưng bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả tích cực. Trước hết, là đã phát huy được vai trò của già làng, Người có uy tín tham gia công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là thanh thiếu niên phòng, chống tệ nạn ma túy, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.