Nhưng ít ai biết rằng, phía sau hào quang của ánh đèn sân khấu, phía sau những giây phút thăng hoa của nghệ thuật, những con người này phải sống trong cảnh nghèo túng, cô đơn và thiếu thốn trăm bề. Như trường hợp bà Hà Thị Cầu, nghệ nhân hát xẩm ở huyện Yên Mô (Ninh Bình) là một ví dụ.
Gần 80 năm gắn bó với nghệ thuật hát xẩm, bà Hà Thị Cầu đã mang xẩm từ góc chợ, bãi xe, bến tàu lên sân khấu chan hòa ánh điện, nơi nào có sự hiện diện của bà cũng gây lên những sự chấn động và ngạc nhiên. Nghệ thuật hát xẩm đã mang lại cho bà nhiều giải thưởng cao quý như: Huy chương Vàng, Bằng khen của Đài Tiếng nói Việt Nam, của Bộ Văn hóa; Giải thưởng Đào Tấn; Nghệ nhân dân gian, Nghệ sĩ Ưu tú…
Thế nhưng, gần 90 năm sống trên cuộc đời, bà Hà Thị Cầu luôn ở trong cảnh vất vả, thiếu thốn khi cha mẹ mất sớm, chồng mất khi còn rất trẻ, một mình nuôi 7 người con, rồi kẻ còn, người mất, chia lìa, ly tán. Một mình sống giữa cuộc đời mưu sinh đầy gian truân, bà như người bộ hành cô độc trên thế gian mang xẩm đi khắp đầu đường góc chợ tại các làng quê, vượt qua bao nhiêu tủi cực của nghề ca hát để thủy chung, son sắt giữ lấy cái nghiệp gia truyền. Bà không được trợ cấp của Nhà nước dù đã nhiều lần được xưng tụng là “báu vật dân gian sống”. Để rồi đến khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 3/3/2013, nhiều nghệ sĩ về dự đám tang đã không khỏi ngậm ngùi, xót xa khi biết được hoàn cảnh gia đình nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu.
Trong đợt xét danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” đợt 1 cho trên 600 nghệ nhân trong toàn quốc, từ khâu gửi hồ sơ thẩm định đến khi có công bố chính thức, đã có 17/617 nghệ nhân chưa kịp nhận danh hiệu “nghệ nhân ưu tú” thì đã… quy tiên (!). Thời gian không chờ đợi những nghệ nhân già. Bởi vậy, khi Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân theo Nghị định 109, các địa phương cần sớm triển khai để giúp các nghệ nhân giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống. Đừng để các nghệ nhân “về trời” rồi mới triển khai chính sách, mới trao danh hiệu.
NGỌC ÁNH