Tứ Kỳ là một huyện thuần nông còn nhiều khó khăn, tốc độ giảm nghèo còn chậm và không đồng đều. Từ chuyển biến trong tư duy về tín dụng chính sách, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tận dụng nguồn vốn này để tháo gỡ những “nút thắt” trong phát triển kinh tế huyện, đó là tạo việc làm và nâng cao thu nhập, xóa bỏ nguy cơ tái nghèo luôn tiềm ẩn.
Theo đó, UBND huyện đã tập trung nguồn lực, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội (CSXH), nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH huyện.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đã tăng cả về quy mô và chất lượng. NHCSXH huyện đã cho vay, với doanh số 473,5 tỷ đồng, với tổng dư nợ đến hết tháng 7/2019 đạt 317 tỷ đồng, giúp 1.972 lượt hộ nghèo, 1.960 hộ cận nghèo, 3.773 hộ mới thoát nghèo được vay vốn, góp phần giảm nghèo từ 7,7% (2015) xuống còn 2,58% (đầu năm 2019).
Cũng như Tứ Kỳ, sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn Hải Dương, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng, góp phần cải thiện đời sống cho hộ nghèo và đối tượng chính sách, đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen”. UBND các cấp đã ưu tiên dành nguồn lực để bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay tăng thêm 33 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn địa phương chuyển sang là 61 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 6/2019, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.338 tỷ đồng, tăng 993 tỷ đồng, với 91.223 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng CSXH được đưa đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh; tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời.
Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định: Chỉ thị số 40 là quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo đến đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách, chăm lo đến công tác an sinh xã hội. “Mỗi năm ngân sách tỉnh dành 20-50 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo; trong đó, ưu tiên bố trí kinh phí cho NHCSXH tỉnh để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo”, ông Hiển cho biết thêm.
Trong thời gian tới, Tỉnh ủy Hải Dương sẽ chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện quan tâm hơn nữa đến hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Đồng thời, tiếp tục xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hoạt động thường xuyên của đơn vị; hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho NHCSXH, nhất là tại các Điểm giao dịch xã. Tỉnh cũng sẽ thường xuyên điều tra, rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tín dụng chính sách đến đúng đối tượng.
Tỉnh cũng ưu tiên dành nhiều hơn nữa nguồn vốn từ ngân sách địa phương để ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, đưa nội dung bổ sung nguồn vốn ngân sách cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách qua NHCSXH vào nghị quyết HĐND và dự toán ngân sách hằng năm của các huyện. Bên cạnh đó, tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đóng góp bổ sung nguồn vốn cho tín dụng CSXH.