Cụ thể, từ nay đến năm 2025, Hà Nội xây dựng 3-4 hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng các ấn phẩm giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; thực hiện tư liệu hóa bằng các hình thức ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, tư liệu viết đối với 10 di sản văn hóa phi vật thể; tổ chức 2-3 lớp truyền dạy cơ bản và nâng cao về kỹ năng trình diễn, thực hành di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, có nguy cơ mai một. Thành phố cũng tổ chức liên hoan trình diễn, giao lưu, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội.
Thành phố sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ, đãi ngộ đối với nghệ nhân; tổ chức các chương trình giáo dục di sản; giới thiệu, trình diễn, phục dựng các loại hình di sản văn hóa phi vật thể; khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức, cộng đồng, cá nhân tham gia thực hành, sưu tầm, lưu giữ và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể.
Đối với di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, thành phố Hà Nội triển khai Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, các nội dung đã cam kết với UNESCO.
Đối với di sản văn hoá phi vật thể đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị. Ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một; Hà Nội ưu tiên nguồn lực cho việc triển khai các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản; tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản; phục dựng, hỗ trợ truyền dạy, thực hành góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Thành phố sẽ đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lục bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, huy động sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân và xã hội đối với lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời, khuyến khích liên doanh, liên kết với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ở trong và ngoài nước trong việc đầu tư cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.