Biến động lên xuống
Những năm qua, với nhiều giải pháp tạo việc làm của các cấp ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN), tỷ lệ tham gia lực lượng LĐ từ 15 tuổi trở lên của nước ta tăng đều theo từng năm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động (LLLĐ) quý I của các năm trong giai đoạn 2015 - 2019 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: năm 2015 tăng 69,4 nghìn người; năm 2016 tăng 795,0 nghìn người; năm 2017 tăng 378,5 nghìn người; năm 2018 tăng 533,7 nghìn người; năm 2019 tăng 417,1 nghìn người.
Nhưng trong quý I/2020, do tác động của đại dịch Covid-19, LLLĐ từ 15 tuổi trở lên giảm 144,2 nghìn người so với quý I/2019. Như vậy, sau chuỗi 5 năm tăng liên tục (2015 - 2019), đây là năm đầu tiên LLLĐ giảm so với cùng kỳ năm trước.
Theo dự báo, tỷ lệ tham gia LLLĐ trong thời gian tới, sẽ tiếp tục có xu hướng giảm khi nhiều DN thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh để “vượt sóng”. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chỉ tiêu GQVL cho LĐ trong cả năm 2020; đồng thời tạo áp lực cho Quỹ quốc gia về việc làm cũng như các chương trình an sinh xã hội khác.
Trong năm 2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đặt chỉ tiêu GQVL cho khoảng 1,5 triệu LĐ (tương đương kết quả thực hiện của năm 2019). Nhưng để “về đích”, chỉ tiêu này là không hề dễ. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, chưa tính số LĐ bị thất nghiệp đang “tồn kho” từ nhiều năm nay, cả nước có khoảng 523 nghìn LĐ tạm thời không tham gia thị trường LĐ, có 403,5 nghìn LĐ bị thiếu việc làm và khoảng 47,3 nghìn người đang tạm nghỉ việc vì lý do giãn việc, tạm ngừng sản xuất kinh doanh.
LLLĐ trong quý I/2020 có sự biến động mạnh cho thấy, công tác GQVL vẫn còn thiếu tính bền vững. Ngoài nguyên nhân do tác động của đại dịch Covid-19, về sâu xa, sự biến động này hoàn toàn là do những “nút thắt” đã tồn tại nhiều năm nay trong công tác GQVL.
Dễ nhận thấy nhất là, LLLĐ của nước ta hiện nay chủ yếu là LĐ giản đơn, trình độ thấp (mới chỉ có 22,8% LĐ đã qua đào tạo). Hiện nay, khi đại dịch Covid-19 đã lên đỉnh, các DN đều có nhu cầu sử dụng LĐ để tái sản xuất, nhưng phải là LĐ có trình độ chuyên môn. Vì thế, một bộ phận lớn LĐ giản đơn khó tiếp cận việc làm mới vào thời điểm này, đành chấp nhận thất nghiệp hoặc làm thời vụ.
Một “nút thắt” khác đã được nhắc nhiều, nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ là GQVL tại chỗ cho LĐ. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao thì ngành LĐTB&XH các địa phương là đơn vị kết nối để GQVL cho LĐ địa phương. Nhưng tình trạng LĐ bỏ xứ đi địa phương khác làm thuê do thiếu việc làm tại chỗ là rất phổ biến. Như tỉnh Bạc Liêu, năm 2019, số LĐ được GQVL trong tỉnh chỉ có hơn 5.600 người, còn LĐ đi kiếm sống ngoài tỉnh là 18.989 người.
Đây không chỉ là việc “chảy máu” nguồn nhân lực, mà còn là vấn đề xã hội nhức nhối. Đặc biệt là, LĐ bỏ quê đi kiếm việc làm nơi khác luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, do phần lớn họ bị xếp vào nhóm lao động công nhật, không được các DN thực hiện nghĩa vụ về BHXH, BHYT; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp luôn tiềm ẩn…
Rõ ràng, những “nút thắt” trong công tác GQVL nêu trên là không hề mới, nhưng hiện vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để. Đại dịch Covid - 19 có thể xem là một “phép thử” để nhìn lại công tác GQVL, từ đó hoạch định những giải pháp chiến lược, nhất là về mặt cơ chế, chính sách, để LĐ có việc làm ổn định, không còn mang tính thời vụ.