Từ tấm bé, học sinh được dạy “khiêm tốn, thật thà và dũng cảm”, theo lời dạy của Bác Hồ. Thế nhưng thực tế bây giờ thì sao? Hình như học sinh không còn được dạy “thật thà và dũng cảm”. Bởi, trong môi trường giáo dục đang có rất nhiều cái sai mà giáo viên, học sinh không dám lên tiếng. Đơn cử, học sinh, giáo viên phải chạy theo thành tích của nhà trường, của ngành giáo dục để rồi cuối năm, nhiều em phải gánh những thành tích ảo của người lớn. Thực tế đã có những em học xong tiểu học vẫn chưa biết đọc, biết viết.
Trường hợp của hai em học sinh, một ở Hải Phòng và một ở TP HCM, sau khi các em và gia đình dám lên tiếng về những sai trái trong môi trường mình đang học tập thì lập tức bị sự xa lánh, kỳ thị của những bạn bè, thầy cô xung quanh.
Việc học sinh phải chuyển trường để chạy trốn những ánh mắt khác lạ của thầy cô, sự rèm pha của bạn bè mà những nhà quản lý giáo dục bất lực đứng nhìn thì còn gì để nói nữa? Người phải chuyển trường, thậm chí là phải ra khỏi môi trường sư phạm phải là cô giáo chứ không phải là em học sinh dám nói ra sự thật về đòn “khủng bố tinh thần” của cô giáo với học sinh.
Còn cô bé học sinh lớp 3 ở Hải Phòng hiện cũng đang sống trong lo âu, sợ hãi vì bạn bè nhìn em với ánh mắt khác. Và còn biết bao nỗi sợ hãi vô hình khác đang bao trùm lên thân hình bé nhỏ và suy nghĩ non nớt của em…
Còn nhớ, mỗi năm học đến, rất nhiều phụ huynh trên khắp cả nước bức xúc vì các khoản thu phi lý của nhà trường thế nhưng không ai dám lên tiếng. Bởi thực tế, đã có những phụ huynh dám đứng ra phản biện về những khoản thu sai phép của nhà trường lập tức bị thầy cô “bêu” tên trước tập thể, còn em học sinh đó thì bị bạn bè xa lánh, ghẻ lạnh không dám đến trường.
Một môi trường giáo dục mà tạo ra suy nghĩ “một điều nhịn chín điều lành” hoặc “tránh voi chẳng xấu mặt nào” ở mọi nơi, mọi lúc đang khiến nhiều người phải ấm ức sống chung với những mặt trái, những vấn đề phản giáo dục… mà không dám lên tiếng. Bởi, nếu cha mẹ có lên tiếng thì thiệt thòi cho con. Còn các con lên tiếng thì bị bạn bè xa lánh, thầy cô trù dập.
Một môi trường giáo dục mà ở đó học sinh sống thỏa hiệp với cái xấu, không biết phân biệt tốt –xấu; cùng chống lại những người dám phanh phui cái xấu thì thành công hay thất bại? Những gì đang xảy ra trong môi trường sư phạm, cách những người làm nghề và học sinh ứng xử với người dám “lội ngược dòng” đang thủ tiêu đi những động lực tích cực thúc đẩy sự phát triển xã hội một cách tốt đẹp hơn.
Một môi trường giáo dục mà triệt tiêu sự “thật thà và dũng cảm” thì ai có lợi? Chắc chắn chỉ có những người muốn lấp liếm những cái xấu, cái sai của mình là có lợi, còn con em chúng ta, xã hội của chúng ta lại lĩnh hậu quả nghiêm trọng. Dễ thấy nhất là cách sống, lối làm việc thẳng thắn, minh bạch… lâu nay dường như rất khó kiếm ở rất nhiều môi trường làm việc, đặc biệt là các cơ quan hưởng lương ngân sách Nhà nước. Dù hiệu quả công việc không tốt, bộ máy ỳ trệ nhưng cuối năm gần như 100% cán bộ, công chức vẫn hoàn thành tốt hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những bài học từ thời ngồi trên ghế nhà trường dạy cho họ một điều rằng “thẳng thắn thường thua thiệt”.
Thông tin mới nhất khiến nhiều người vui lây khi em Song Toàn chuyển đến một trường tư thục trên địa bàn TP. Tại đây, em được nhà trường tiếp nhận và trao học bổng toàn phần trị giá 300 triệu đồng, đồng thời hỗ trợ bữa ăn bán trú và đưa đón bằng xe bus. Nhà trường trao học bổng cho em Song Toàn vì “sự chính trực và lòng dũng cảm”, phù hợp với một trong các giá trị mà nhà trường lâu nay theo đuổi.
Giáo dục ngoài việc nâng cao hiểu biết, trau dồi tri thức thì còn có một nhiệm vụ quan trọng khác là rèn luyện bản lĩnh, tính kỷ luật cho mỗi học sinh. Thế nhưng thực tế đã không còn được như vậy khi đang có quá nhiều người sống thỏa hiệp với cái xấu để cầu an cho bản thân./.
Theo vov