Nhân Đại hội XIII của Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân đã trả lời phỏng vấn của phóng viên về những thành tựu trong công tác đối ngoại Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII và định hướng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Với những thành tựu Việt Nam đạt được trong 35 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng đang thu hút sự quan tâm của đông đảo các chính đảng và bạn bè quốc tế. Theo đồng chí, nhìn chung, dư luận thế giới nhìn nhận thế nào về công cuộc đổi mới của Đảng ta, về định hướng phát triển của Việt Nam?
Sự phát triển của Việt Nam luôn dành được sự quan tâm, thậm chí là quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế do có tính kế thừa. Trước đây, trong cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, chúng ta là biểu tượng của thế giới. Trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, chúng ta cũng là một tấm gương. Chính vì vậy, bạn bè quốc tế đang rất quan tâm đến Đại hội XIII của Đảng. Nhiều chính đảng, tổ chức quốc tế, nguyên thủ quốc gia đã gửi thư, điện chúc mừng sự kiện trọng đại này của Đảng và đất nước ta.
Trong các thư, điện chúc mừng trên, bạn hết sức ca ngợi, đánh giá cao truyền thống đấu tranh cũng như lãnh đạo đất nước của Đảng ta trong hơn 90 năm-một Đảng bản lĩnh, kiên cường và luôn thành công. Bạn bè cũng ghi nhận, đánh giá cao những thành quả của công cuộc đổi mới-những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Trong bối cảnh thế giới đang có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là từ cuộc khủng hoảng kinh tế trong cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, khi thế giới còn đang khủng hoảng về mô hình, sự phát triển của Việt Nam như là một mô hình phù hợp; thậm chí có những nhà lãnh đạo quốc tế cho rằng đây là một mô hình kiểu mẫu cho sự phát triển.
Đặc biệt, ở thời điểm hiện nay, bạn bè quốc tế đánh giá rất cao thành công của Việt Nam trong việc phòng, chống dịch COVID-19, "mục tiêu kép" của Việt Nam vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế-xã hội cũng như tinh thần của Việt Nam, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quyết liệt của Chính phủ Việt Nam, sự đoàn kết và sẻ chia của người dân Việt Nam đã đem lại thành quả to lớn. Quốc tế cho rằng Việt Nam là một điểm sáng, một trong những nước trong bối cảnh khó khăn của thế giới, đã có tăng trưởng dương ở mức tương đối cao. Với Đại hội XIII, bạn bè quốc tế đã dành sự quan tâm, tình cảm, tình hữu nghị cho chúng ta và đặt nhiều kỳ vọng vào Đảng Cộng sản Việt Nam; cho rằng Đại hội sẽ mở ra một giai đoạn mới, bước phát triển mới cho Việt Nam.
Cùng với ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, trong nhiệm kỳ 2016-2021 công tác đối ngoại của Đảng đã được nỗ lực triển khai và có những kết quả nổi bật như thế nào, thưa đồng chí?
Tại Việt Nam, đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân là một sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn. Trong 5 năm qua, đối ngoại Đảng đã có bước phát triển rất quan trọng.
Thứ nhất là chúng ta tăng cường cả về chiều rộng và chiều sâu trong quan hệ với các chính đảng trên thế giới. Về chiều sâu, chúng ta tập trung vào tăng cường quan hệ với các đảng cộng sản cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa láng giềng, các đảng bạn bè truyền thống của chúng ta; đây là khu vực hậu thuẫn chính trị. Cùng với đó là các đảng ở những đối tác lớn, quan trọng của Việt Nam. Khi thực hiện chủ trương này, chúng ta đã đạt được mục tiêu tăng cường sự tin cậy chính trị, tiếp tục bồi đắp và tạo dựng nền tảng hữu nghị để thúc đẩy một cách ổn định và tốt đẹp cho quan hệ song phương của Việt Nam với các nước.
Mặt khác, việc chúng ta mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền được coi là một khâu đột phá trong quan hệ đối ngoại của Đảng ta. Đảng ta là một đảng cầm quyền. Khi Đảng ta có quan hệ với nhiều đảng cầm quyền khác trên thế giới thì chẳng những xây dựng được nền tảng thúc đẩy quan hệ song phương, mà qua đó còn học hỏi, trao đổi lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm để làm giàu trí tuệ cho Đảng ta; đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo và quản lý đất nước.
Có thể nói đây là một điểm nổi bật trong quan hệ đối ngoại của Đảng thời gian qua. Hiện nay, chúng ta có quan hệ với rất nhiều đảng cầm quyền, không phân biệt khuynh hướng tư tưởng, không có rào ngăn về ý thức hệ. Một vấn đề nữa tôi muốn nhắc đến, đó là thông qua quan hệ đối ngoại của Đảng, chúng ta tích lũy, tham khảo và học hỏi được nhiều. Hiện nay, Đảng ta có các cơ chế: Hội thảo lý luận với 8 chính đảng quan trọng, đối thoại chính sách và tham vấn chính trị với nhiều đảng, chính đảng lớn trên thế giới.
Chúng ta cũng ký được chương trình đào tạo để mỗi năm gửi hàng nghìn cán bộ đi đào tạo đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Nhân dân Singapore, các chính đảng ở Australia, cùng nhiều chương trình đào tạo khác cho cán bộ Trung ương, cán bộ các cấp của Việt Nam. Tôi cho rằng, đây là một khía cạnh thực chất, là chiều sâu trong công tác đối ngoại của Đảng. Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất chủ động, có vai trò, tham gia ngày càng hiệu quả vào các cơ chế đa phương chính Đảng.
Chúng ta là một trong những đảng quan trọng, có tiếng nói trọng lượng tại các diễn đàn của các Đảng Cộng sản và công nhân trên thế giới như khu vực châu Âu, Mỹ La tinh. Đây là khu vực hậu thuẫn chính trị rất quan trọng của Việt Nam. Ở đó, chúng ta có rất nhiều quan hệ với các đảng cộng sản và đảng cánh tả và cuối cùng là quan hệ đối ngoại Đảng đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Đảng ta, đất nước ta trên trường quốc tế.
Trong bối cảnh hiện nay, đối ngoại Đảng cần phải có những giải pháp gì để tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời là tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để góp phần phát triển đất nước. Cùng với đó là nâng tầm vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, thưa đồng chí?
Ngoại giao Việt Nam là một nền ngoại giao toàn diện, không phải nước nào trên thế giới cũng có. Chúng ta có đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Tôi vẫn hay ví hình ảnh ngoại giao Việt Nam như ba bánh xe chạy nhuần nhuyễn và ăn khớp với nhau để cỗ máy vận hành hiệu quả. Bởi vậy, việc định hướng thúc đẩy quan hệ đối ngoại Đảng, trên thực tế là việc triển khai hiệu quả và ngày càng nhuần nhuyễn cả ba mảng này để phát huy được sức mạnh tổng hợp của quốc gia trên mặt trận đối ngoại, thực hiện được mục tiêu lớn là giữ được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; giữ được chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giữ được cục diện hữu nghị để phát triển cho tương lai. Do đó, đối ngoại Đảng thời gian tới có một số định hướng lớn. Đầu tiên, cùng với ngoại giao Nhà nước, nắm diễn biến tình hình thế giới một cách cập nhật nhất, phân tích một cách thấu đáo nhất để có những đề xuất hiệu quả trong các chủ trương, chính sách đối ngoại và ứng phó các tình huống đối ngoại.
Thứ hai, chúng ta đang chứng kiến một thế giới biến động nhanh, phức tạp và khó lường đoán. Môi trường chính trị, đời sống chính trị của các quốc gia đang thay đổi hết sức nhanh chóng. Để thích nghi với những điều này, đối ngoại Đảng cần tăng cường, mở rộng hơn nữa quan hệ với các chính đảng trên thế giới; đó là các đảng cầm quyền, đảng tham chính, các đảng hiện chưa là đảng tham chính nhưng có tương lai chính trị, để khi quốc gia đó có sự thay đổi về lãnh đạo đất nước, thay đổi Đảng cầm quyền thì lúc đó chúng ta đã có mối quan hệ từ trước. Nói cánh khác, chúng ta phải hết sức linh hoạt, sáng tạo, đột phá để có thể thích nghi với tình hình mới.
Trên tinh thần như vậy, năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về "Tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại Đảng trong tình hình mới", với tinh thần tiếp tục mở rộng không gian quan hệ của Đảng ta trên phạm vi toàn thế giới để vừa có những mối quan hệ sâu sắc, bền chặt nhưng cũng tạo được không gian quan hệ rộng. Một vấn đề nữa, chúng ta phải tiếp tục làm giàu trí tuệ của Đảng ta bằng việc tranh thủ nguồn lực của quốc tế, trong đó có năng lực, kinh nghiệm lãnh đạo của các đảng, nguồn lực về khoa học công nghệ, nguồn lực về đào tạo nhân lực, nguồn lực vật chất và tinh thần để phục vụ công cuộc đổi mới, sự nghiệp phát triển đất nước. Từ đó, đối ngoại Đảng, cùng những lĩnh vực khác trong xã hội, sẽ góp phần vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội XIII của Đảng ta.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!