Tại huyện Bác Ái, bà Cấn Thị Hà - Phó Chủ tịch Phụ trách UBND huyện đã báo cáo sơ lược với Đoàn công tác về tình hình kinh tế - xã hội của huyện. Theo đó, Bác Ái là huyện miền núi đặc biệt khó khăn, gồm 9 xã, 38 thôn với 6.819 hộ là người đồng bào DTTS, chiếm 87% dân số trên toàn huyện, chủ yếu là dân tộc Raglay.
Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội của huyện được duy trì ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của bà con được cải thiện, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững… Đa số các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh đều đạt và vượt kế hoạch đã đề ra. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,6%; thu ngân sách trên địa bàn 21,7 tỷ đồng đạt 204,7% kế hoạch; tổng diện tích gieo trồng: 11.835 ha, đạt 102,9% kế hoạch.
Huyện Bác Ái đặc biệt quan tâm đến vai trò của Người có uy tín đối với đồng bào DTTS. Vì thế, các cấp ủy, chính quyền địa phương tranh thủ tiếng nói của họ làm cầu nối để đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS. Ngoài ra, Người có uy tín còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các phong trào thi đua, làm kinh tế giỏi, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ hủ tục... Kết quả làm chuyển biến nhận thức của bà con, đời sống được nâng lên đáng kể.
Huyện đã thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho Người có uy tín kịp thời, tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp các ngày lễ, tết, thăm hỏi bản thân hoặc gia đình Người có uy tín không may bị ốm đau, gặp hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, hỗ trợ vật chất và động viên tinh thần. Kịp thời khen thưởng đối với Người có uy tín. Năm 2022, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 9 Người có uy tín trong đồng bào DTTS và đang tham mưu UBND huyện tặng Giấy khen đối với 7 Người có uy tín trong đồng bào DTTS dịp cuối năm 2022 tại Hội nghị gặp mặt Người có uy tín cuối năm.
Thay mặt Đoàn công tác UBDT, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải ghi nhận, đánh giá cao thành quả của người dân và chính quyền địa phương đã đạt được trong thời gian qua. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm mong muốn bà con Nhân dân và Người có uy tín tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để từng bước xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cũng đề nghị huyện Bác Ái nói riêng, tỉnh Ninh Thuận nói chung, trong điều kiện của mình quan tâm hơn nữa đối với những Người có uy tín, để họ yên tâm làm tốt vai trò của mình đối với cộng đồng.
Nhân dịp này, Đoàn công tác trao tặng 37 suất quà cho Người có uy tín tại huyện Bác Ái, mỗi suất quà trị giá 500.000 đồng.
Tại huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận, cũng là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Toàn huyện có 14 đơn vị hành chính xã, thị trấn, trong đó gồm: 6 xã vùng cao và 8 xã, thị trấn thuộc miền núi. Đồng bào DTTS chiếm gần 40% dân số, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, nên khá bấp bênh. Trên địa bàn huyện không có nhiều công ty, doanh nghiệp nên khó khăn trong khâu giải quyết việc làm cho người lao động. Vấn đề nhà ở của đồng bào DTTS cũng đang gặp khó khăn, nhiều nhà xuống cấp nhưng chưa có điều kiện xây cất lại. Huyện đề nghị UBDT và các cấp ngành quan tâm hỗ trợ.
Sau khi nghe báo cáo của huyện Tánh Linh, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải đã ghi nhận những khó khăn của huyện, đồng thời sẽ báo cáo với lãnh đạo UBDT có hướng hỗ trợ cho huyện giải quyết các vấn đề tồn đọng để nâng cao đời sống cho người dân.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị huyện Tánh Linh đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, vì đây là cơ hội lớn để huyện nắm bắt các nguồn vốn hỗ trợ cho người dân.
Đoàn công tác đã tặng 13 suất quà cho Người có uy tín; 11 xuất quà cho các thôn đặc biệt khó khăn (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng); 4 suất quà cho già làng, gia đình chính sách của huyện (mỗi suất trị giá 2 triệu đồng).