Đầu tiên, chính là vỡ mộng. Những ảo mộng về sân chơi World Cup với những người giàu trí tưởng tượng, lạc quan rồi sẽ dần tan biến theo từng vòng đấu. Tất nhiên, vẫn còn 8 trận phía trước nhưng với cách thể hiện cùng đẳng cấp chênh lệch, thật khó để đội tuyển Việt Nam tạo nên cơn địa chấn. Trang thống kê uy tín We Global cũng chỉ tính xác suất Việt Nam giành vé đến Qatar chỉ là 0,28% còn tỷ lệ bị loại cao nhất bảng B với 98,36%.
Thứ hai, đó là cách thức tổ chức quy củ một trận đấu bóng đá xứng tầm thế giới. Mặt cỏ sân Mỹ Đình bị giới truyền thông Australia ví như “bãi chăn bò”. HLV Graham Arnold cũng hết lời chê mặt cỏ xấu. Và nhìn các sân cỏ của những đối thủ trong bảng đấu chứ chưa nói đến thế giới, đủ để thấy, sự chênh lệch hiển thị rất rõ.
Ngoài ra, bóng đá Việt Nam chưa thật sự chủ động để hội nhập với tốc độ phát triển nhanh chóng của thế giới. Một phòng VAR khá cũ kỹ, chưa tương xứng với máy móc, công nghệ. Ngoài ra, đội ngũ nhân lực đều nhờ vào cả FIFA lẫn AFC. Hình ảnh chiếc xe kéo để rải vôi là minh chứng hùng hồn cho sự chậm rãi tiến lên chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam.
Tất yếu, không thể nhắc đến sự văn minh trong cách cổ vũ lẫn đón nhận thất bại. Vẫn như thói quen, HLV Park Hang Seo tức giận với đồng nghiệp cho dù trận đấu đã kết thúc. Ngoài sân cỏ, vẫn còn đó hiện tượng “quái dị” các cư dân mạng tấn công facebook trọng tài bất chấp quyết định đó là đúng hay sai. Đó là cách hành xử thiếu văn minh, không đáng có trong thời đại công nghệ 4.0.
Và trên hết, đó là câu chuyện về chuyên môn. Sau trận thua 0-1 trước Australia, HLV Park Hang Seo cho rằng, chúng ta chỉ thua thiệt về thể hình còn trình độ chuyên môn không quá chênh lệch. Một trận đấu không thể khái quát hết vị thế của một đội bóng. Đó là cả hành trình và nhìn cách các đối thủ thể hiện, có thể thấy, thật huyễn hoặc nếu đặt Việt Nam cạnh các “ông lớn” châu lục.
Ở bảng B, Nhật Bản, Australia và Saudi Arabia vẫn ở một đẳng cấp vượt trội. Họ là những ứng viên nặng ký cho tấm vé đến Qatar. Oman mang dáng dấp của “ngựa ô” còn Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn nhiều việc để làm.
Rõ ràng, có quá nhiều vấn đề rút tỉa sau hai trận đấu vừa qua. Nó để lại cho chúng ta cả một “sàng khôn”. Nhưng, với bức tranh toàn cảnh của bóng đá Việt Nam hiện tại, người hâm mộ mơ gì?
Một giấc mơ rất thực tế nhưng cũng có thể xa vời: sự đoàn kết. Thời điểm các cầu thủ chuẩn bị thi đấu, giải V.League bị hủy, VPF và các CLB không đoàn kết cao. Các cuộc “đấu tố” liên tục được đưa ra. Tất cả như một mớ công trường hỗn độn mà ắt hẳn, chỉ dẹp bỏ nó, bóng đá mới trong sạch. Đó là bệ phóng để một đội tuyển quốc gia vững mạnh.
Chưa kể, tâm lý thi đấu của các cầu thủ cũng không thật sự ở trạng thái tốt nhất. Phải xa gia đình quá lâu vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, lại hoạt động khép kín cùng việc thi đấu không có khán giả, tất cả yếu tố đó kết đọng khiến tinh thần đi xuống. Biểu hiện ở trận đấu với Australia thấy rõ khi không thể duy trì lối chơi máu lửa như trước đây.
Chỉ hai trận đấu nhưng lại phác họa quá chân thật về bức tranh của bóng đá Việt Nam. Ở đó, thật khó để chờ đợi sự bứt phá nếu không nhìn nhận thực tế đã và đang xảy ra. Chỉ khi đứng ở mặt đất, chúng ta mới biết được mình đang ở đâu, cả về chuyên môn cũng như hình ảnh.