Mục tiêu của Chương trình phối hợp là huy động sức mạnh tổng hợp của chính quyền các cấp ở địa phương cùng với ngành Giáo dục và Bộ đội Biên phòng tập trung giải quyết cơ bản tình trạng người mù chữ, tái mù chữ, học sinh bỏ học, thất học ở khu vực biên giới, hải đảo nhằm duy trì và củng cố kết quả chống mù chữ phổ cập giáo dục tiểu học.
Sau 6 năm phối hợp, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã cùng ngành Giáo dục các địa phương tổ chức được trên 500 lớp chuyên đề với hơn 9.000 lượt học viên tham gia học tập về các kiến thức quốc phòng-an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Các Đồn Biên phòng đã phối hợp với Phòng GD&ĐT mở được gần 300 lớp xóa mù chữ cho gần 10.000 học viên, 196 lớp phổ cập giáo dục tiểu học cho hơn 3.000 học sinh, 45 lớp học tình thương cho 934 học sinh. Phối hợp vận động 48.054 học sinh bỏ học trở lại trường, 66.078 học sinh trong độ tuổi đến lớp.
Triển khai Chương trình “nâng bước em tới trường”, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã đỡ đầu cho 2.844 học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 ở khu vực biên giới, có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, mồ côi cha mẹ, con các gia đình chính sách, học sinh nước bạn Lào, Campuchia ở địa bàn tiếp giáp biên giới... mức hỗ trợ 500.000 đồng/tháng.
Từ những kết quả đã đạt được trong công tác phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cam kết, thời gian tới, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng sẽ tiếp tục đồng hành với ngành Giáo dục để chăm lo, vận động trẻ em đến trường, đẩy mạnh chương trình “nâng bước em đến trường”, lan tỏa hình ảnh “người thầy giáo quân hàm xanh”, góp phần hiệu quả vào công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, đẩy mạnh công tác xã hội học tập, góp phần nâng cao dân trí, bảo vệ vững chắc biên giới, hải đảo của Tổ quốc.
BẢO AN