Những vụ việc đau lòng
Chỉ tính riêng từ 16/11/2018 đến 15/3/2019, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 25 vụ hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô đối với trẻ em. Đa số trẻ em bị xâm hại chủ yếu là ở vùng dân tộc miền núi, chiếm từ 70 - 80% số vụ. Trong đó, 50% đối tượng phạm tội hiếp dâm là những người có mối quan hệ với gia đình nạn nhân.
Qua thống kê của TAND tỉnh Thanh Hóa, năm 2017, TAND cấp huyện và tỉnh xét xử 25 vụ xâm hại trẻ em với 31 bị cáo; năm 2018 đã xét xử 22 vụ với 26 bị cáo; 3 tháng đầu năm 2019 xét xử 11 vụ, 11 đối tượng gồm các tội danh: Hiếp dâm, giao cấu và dâm ô với trẻ em.
Mới đây nhất, vụ việc gây rúng động tại huyện miền núi Cẩm Thủy (Thanh Hóa) khi người dân phát hiện và vây bắt người đàn ông 79 tuổi vì phát hiện có hành vi dâm ô bé gái 8 tuổi tại một cánh đồng, giao cho công an điều tra khởi tố.
Được biết, bé gái sống cùng với mẹ và bà ngoại do bố mẹ đã ly hôn. Cháu học cùng lớp với cháu của ông Phác. Vì vậy, hằng ngày lợi dụng việc đưa đón các cháu đi học, đối tượng Nguyễn Ngọc Phác thường xuyên cho tiền và kẹo để dụ bé gái ra cánh đồng giở trò đồi bại.
Tương tự, một bé gái mới 4 tuổi ở huyện miền núi Thạch Thành cũng trở thành nạn nhân đáng thương của nạn xâm hại tình dục.
Vào khoảng 13h ngày 24/12, trong lúc đang làm việc ngoài vườn, bà Bùi Thị T. (58 tuổi), trú tại xã Thành Trực, huyện Thạch Thành bỗng nghe tiếng khóc thét của cháu gái 4 tuổi (là cháu Đ.T. H) ở trong nhà. Khi vào nhà bà T. tá hỏa phát hiện, đối tượng Lê Văn Sơn (SN 1979) trú tại thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành đang có hành vi giở trò đồi bại với bé H. trên chiếc giường trong phòng ngủ.
Sơn được gia đình bà T. nhận là con nuôi hơn 1 năm nay. Cháu H. là cháu ngoại của bà T. Do bố mẹ làm ăn xa nên cháu được gửi nhờ bà ngoại nuôi.
Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em không chỉ xảy ra ở miền núi, mà ngay cả ở miền xuôi. Điển hình như mới đây, đầu năm 2019, nạn nhân là cháu Hoàng Thị M (SN 2013, xã Hoằng Đông, huyện Hoằng Hóa). Khi chơi một mình tại ngõ nhà đối tượng Chu Hữu Lợi (SN 1973, xã Hoằng Đông, huyện Hoằng Hóa), là người nghiện rượu đã thực hiện hành vi dâm ô cháu bé.
Phần nổi của tảng băng chìm
Có thể thấy, đa số nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục trẻ em đều là những bé gái ở các vùng miền núi có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình.
Mặc dù, các vụ việc bị phát hiện đều được cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với gia đình nạn nhân và chính bản thân các em nhỏ, nỗi đau và sự ám ảnh sẽ theo họ đến suốt cuộc đời. Trẻ bị xâm hại có nguy cơ cao bị trầm cảm và dễ mắc bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục, có thể mất khả năng sinh sản. Điều nguy hiểm là nhiều trường hợp thường rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, xấu hổ, không muốn giao tiếp với mọi người.
Thực tế, những con số trên đây vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Rất nhiều vụ việc tương tự vì nhiều lý do tế nhị mà gia đình nạn nhân không dám lên tiếng tố cáo, hoặc chấp nhận qua chuyện để giữ gìn danh dự cho gia đình và tương lai của các em.
Trung tá Nguyễn Xuân Toán, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết: Nhiều nguyên nhân dẫn đến số vụ xâm hại trẻ em ngày càng tăng, trong đó nguyên nhân chính, là do việc gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc khiến cho các em dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lợi dụng; công tác tuyên truyền, giáo dục chưa thường xuyên, liên tục dẫn đến tình trạng trẻ em thiếu kiến thức, hiểu biết để tự bảo vệ mình.
Cơ quan công an cũng luôn gặp khó khăn trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, chứng minh tội phạm, bởi một số vụ việc do thời gian quá lâu các dấu vết đã mất hoặc phải chờ kết quả giám định ADN dẫn đến việc phải gia hạn điều tra nhiều lần và tạm đình chỉ điều tra vụ án do không đủ căn cứ.
Điển hình như trường hợp của cháu M (SN 2003, ở xã Phùng Giáo, huyện Ngọc Lặc). Gia đình có đơn tố cáo cháu bị 1 người bác ruột hiếp dâm nhiều lần. Nhưng sự việc xảy ra sau nhiều tháng, gia đình mới có đơn trình báo công an và mất nhiều công sức để điều tra xác minh, thu thập chứng cứ, cơ quan công an mới có đủ tài liệu kết luận để khởi tố bắt giam đối tượng.
Cũng theo Trung tá Toán, qua đấu tranh cho thấy, thường các vụ xâm hại tình dục trẻ em khi người thân và gia đình phát hiện, bị hại và đối tượng gây ra đã tự giải quyết, khi không thỏa hiệp được mới trình báo cơ quan chức năng.
“Để đấu tranh, phòng ngừa có hiệu quả với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, phải xem xét cả hành vi bao che không cung cấp, dung túng... gây cản trở công tác điều tra. Các cấp, các ngành cần phải tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục giới tính, trang bị kiến thức phòng, chống xâm hại trong trường học và nâng cao trách nhiệm của trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em là điều hết sức cần thiết”, Trung tá Toán đề xuất.
QUỲNH TRÂM