Bắt chồng khi mới “trăng rằm”
Bắt chồng lúc vừa tròn 16 tuổi, em N. (SN 2005, làng A Dơk Kông, xã A Dơk) đang chuẩn bị đón đứa con chào đời. Dẫu biết chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn và dù đang học lớp 8 nhưng em N. vẫn nghỉ học để “bắt” anh Niên (SN 2001, ở cùng làng) làm chồng.
Cuộc sống sau hôn nhân của vợ chồng N. hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ hai bên. “Em không có việc làm, ở nhà dưỡng thai chuẩn bị sinh con và phụ bố mẹ làm việc vặt. Chồng đi theo ban nhạc phục vụ các đám cưới ở làng, nhưng thất nghiệp do dịch bệnh, giờ ở nhà làm rẫy cùng bố mẹ. Em lo lắm, sinh con rồi chưa biết làm gì để sống, nuôi con”, N. tâm sự.
Tương tự, năm 2018, em A. (sinh năm 2002, làng Bia Bre, xã Ia Pết) nảy sinh tình cảm với chàng trai cùng học lớp 9. Ở tuổi 14 “ăn chưa no, nghĩ chưa tới”, hai em quyết tâm lấy nhau trong sự tiếc nuối của thầy cô, bạn bè. Giờ đây, việc học hành dở dang, chồng A. thì đi làm thuê, ai kêu gì làm đó còn em A. ở nhà chăm con. Em A nói: “Em đang cố gắng lo cho con thôi. Chỉ mong đến bữa có cái ăn cho no cái bụng chứ không mong muốn gì hơn”.
Chung tay đẩy lùi nạn tảo hôn
Theo thống kê của Phòng Dân tộc huyện Đak Đoa, từ năm 2016 - 2021, huyện Đak Đoa có 364 cặp tảo hôn, tập trung nhiều ở các xã A Dơk, Ia Pết, Hà Bầu, Kon Gang, Hnol, Hải Yang, Hà Đông.
Bà Lê Thị Hương, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đak Đoa thông tin: huyện Đak Đoa có tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm hơn 55% dân số, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 12,8%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn ở các làng DTTS hiện nay, một phần là do cuộc sống của đồng bào còn nhiều khó khăn trình độ dân trí hạn chế với suy nghĩ cho con lấy vợ, lấy chồng để có lao động; Một phần là cán bộ thực thi pháp luật chưa nghiêm trong quản lý, đăng ký kết hôn; chế tài xử phạt vi phạm trong hôn nhân chưa đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên cũng chưa được quan tâm đầy đủ... dẫn đến tình trạng, một bộ phận không nhỏ trẻ vị thành niên đua đòi, yêu sớm dẫn đến có thai ngoài ý muốn.
Hậu quả của việc kết hôn sớm là để lại nhiều hệ lụy. Những đứa trẻ sinh ra không được nuôi dưỡng tốt, tỷ lệ suy dinh dưỡng cao. Hầu hết cuộc sống của những cặp tảo hôn thường khó khăn do chưa có kiến thức và hiểu biết để lo cuộc sống gia đình.
Trước thực trạng trên, huyện Đak Đoa đã nỗ lực thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020” của Chính phủ.
Theo đó, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Dân tộc phối hợp với Phòng Tư pháp, UBND các xã, thị trấn lồng ghép nội dung tuyên truyền Đề án đến với người dân bằng nhiều hình thức; Phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức ngoại khóa tuyên truyền trong trường học về hậu quả của nạn tảo hôn; Thành lập các câu lạc bộ tư vấn tiền hôn nhân ở 100% xã, thị trấn.
Nhờ đó, số vụ tảo hôn đã giảm dần theo các năm, nhận thức về nạn tảo hôn trong một bộ phận người dân đã có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2022, huyện Đak Đoa không có trường hợp nào tảo hôn.