Hiện nay, thị trường trong nước và trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, giá dầu thô trên thế giới, và giá bán lẻ sản phẩm xăng dầu trong nước liên tục tăng cao, cùng với thời điểm diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều mặt hàng thiết yếu về y tế, các thực phẩm tiêu dùng cùng đồng loạt tăng giá, khiến đời sống của người dân bị ảnh hưởng.
Cụ thể từ tháng 2/2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Sở Công Thương tỉnh tổ chức Hội nghị đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tại Hội nghị lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh, lãnh đạo Sở Công thương đã thông tin đến cho các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh về việc thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đại diện cơ sở kinh doanh xăng dầu, đã đóng góp ý kiến về tình hình cung ứng xăng dầu của đơn vị trong thời gian qua và cùng thống thực hiện theo cam kết.
Tiếp theo đó, tháng 3/2022, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài chính và Sở Y tế Thanh Hóa, đại diện 30 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vật tư y tế và thuốc tân dược... tổ chức Hội nghị đảm bảo bình ổn thị trường thuốc tân dược, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động, yêu cầu các doanh nghiệp, nhà phân phối, nhà thuốc, quầy thuốc thực hiện cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, nhất là các nội dung về kê khai, niêm yết giá hàng hóa và bán đúng giá niêm yết; không lợi dụng dịch bệnh, tình hình khan hiếm hàng hóa để định giá, tăng giá bán bất hợp lý; không găm hàng, đầu cơ tích trữ, tăng giá bán nhằm thu lợi bất hợp pháp; không kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng giả, hàng hóa chưa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trong tỉnh, tăng cường công tác quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về không niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đầu cơ găm hàng, định giá mua, bán bất hợp lý, bán hàng nhập lậu, không được phép lưu hành, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng sản phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác.
Nắm bắt thông tin khi xuất hiện tình trạng khan hiếm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền triển khai các giải pháp bảo đảm ổn định thị trường; kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân có hành vi vi phạm.
Nhờ những nỗ lực đó, từ đầu năm 2022 đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 346 vụ việc, phát hiện, xử lý hơn 270 vụ vi phạm. Trong các vụ việc bị xử lý, có gần 40 vụ vi phạm trong lĩnh vực hàng cấm, hàng nhập lậu, 10 vụ vi phạm hàng giả và quyền sở hữu trí tuệ, hơn 90 vụ vi phạm về giá, hơn 100 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và gần 40 vụ việc khác. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước trên 860 triệu đồng.