“Bắt chồng” Tây
Lang Biang được mệnh danh là miền đất có nhiều thiếu nữ đồng bào DTTS xinh đẹp và là nơi nuôi dưỡng nguồn gen của chất giọng nồng nàn cao nguyên. Thừa hưởng những tinh hoa của vùng đất huyền thoại, Rolan sở hữu vóc dáng cao thon, làn da nâu mịn màng, đôi mắt sáng long lanh, khuôn miệng xinh xắn. Đặc biệt là “chất” nghệ sĩ. Rolan đánh chiêng, hát, múa đều giỏi và trở thành nghệ sĩ chủ lực của đội văn nghệ của buôn B’ner C, thường xuyên được mời đi biểu diễn ở các điểm du lịch tại TP. Đà Lạt. Cũng chính từ những buổi biểu diễn, Rolan đã quen chàng trai người Mỹ Josh Guikema và “bắt” làm chồng.
Rolan kể: Năm 2010, trong một lần biểu diễn tại Khu du lịch đồi Mộng Mơ, cô gặp Josh. Chẳng hiểu vì lý do gì chàng trai Mỹ tìm đến tận nhà chơi, xin số điện thoại và thường xuyên liên lạc.
“Đi biểu diễn nhiều, nhưng mình vẫn nhút nhát lắm, không dám nhìn thẳng vào mặt anh ấy. Điện thoại thì chỉ trả lời vài câu thôi, vì anh ấy ở cách xa đến nửa vòng trái đất. Buôn làng mình còn nghèo khổ, lạc hậu, liệu người ta có ở lại cùng mình”, Rolan nói.
Sau đó, mẹ của Josh cùng anh quay lại Đà Lạt, tìm đến nơi Rolan biểu diễn, ngỏ lời muốn chị làm dâu. Gia đình Rola cũng đồng ý để chị “bắt” Josh làm chồng.
Theo luật tục mẫu hệ của người Cơ-ho, Josh về ở rể trong nhà vợ. Cả hai quyết định lập nghiệp trên chính vùng đất quê hương của Rolan, dưới chân ngọn núi Lang Biang huyền thoại với rẫy cà phê.
Cà phê sạch của người Cơ-ho
Sinh kế chính của gia đình Rolan là nương rẫy. Cùng gia đình chăm sóc, thu hái cà phê nhiều năm, Rolan nhận thấy sản xuất cà phê kiểu truyền thống vất vả quanh năm nhưng thu nhập lại chẳng được là bao vì năng suất không ổn định, giá cả bấp bênh. Rolan ấp ủ ý tưởng chế biến cà phê nâng cao giá trị giúp người dân có lợi nhuận cao hơn và xây dựng sản phẩm cà phê đặc trưng riêng cho người Cơ-ho. Rolan bàn với chồng và thương hiệu sản phẩm cà phê mang tên “K’ho Coffee” được ra đời.
Rolan lên rẫy tự tay chọn những trái cà phê đã chín, hạt mẩy, chắc, sau đó đem xát vỏ, rửa sạch, phơi trên những giá đỡ cách mặt đất trong 7 ngày cho hạt cà phê thật khô. Hạt cà phê sau khi phơi khô tiếp tục được lột lụa, chà bóng, phân loại, rang, đóng gói và sử dụng.
Sau hơn 1 năm thử nghiệm, vợ chồng Rolan ra mắt sản phẩm “K’ho Coffee” với lô hàng đầu tiên 10kg. Năm 2014, Rolan mang “K’ho Coffee” dự Hội chợ “Organic Famers’ Market” tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh để từng bước tiếp cận thị trường. Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chất lượng, Rolan đầu tư 130 triệu đồng mua máy rang, chất lượng cà phê nâng cao hơn và nhanh chóng được thị trường đón nhận.
Đến nay, K’ho Coffee đã có 7 cửa hàng tại các thành phố: Đà Lạt, Nha Trang, Tuy Hòa (Phú Yên), Hội An (Quảng Nam), Đồng Hới (Quảng Bình), TP. Hồ Chí Minh nhận phân phối thường xuyên và tiêu thụ khá tốt. Ngôi nhà bằng gỗ nhỏ của vợ chồng Rolan cũng trở thành điểm đến của nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước muốn trải nghiệm hương vị cà phê nguyên chất của đồng bào Cơ-ho trong không gian cà phê trên sườn đồi.