“Cõng chữ” lên nonDẫn chúng tôi đi trên những cung đường khúc khuỷu, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm, thầy giáo Lê Thiên Thơ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Thành, phân trần: “Hôm nay trời nắng nên dễ đi hơn nhiều. Bởi những hôm trời mưa đường như đổ mỡ, trơn trượt nguy hiểm lắm, để vào được điểm trường chỉ còn cách đi bộ”.
Theo thầy Thơ, do đường vào bản Sậy rất khó khăn và phức tạp nên ngành Giáo dục huyện Quan Hóa đã thành lập điểm trường này với mong muốn đưa con chữ về với các em. Sau khi lớp học đi vào hoạt động, nhà trường cùng với chính quyền địa phương đã đến từng nhà, vận động từng phụ huynh đưa con em đến lớp để học con chữ… Cứ thế, hơn 10 năm trôi qua, từng thế hệ học sinh nối tiếp nhau đến đây học chữ, với hy vọng có một tương lai tươi sáng.
Để đến đây “ươm mần chữ” cho các em, thầy cô giáo chỉ còn cách phải cắm bản do việc đi lại hết sức khó khăn, nhất là vào mùa mưa. “Trời ấm còn đỡ, mưa rét nhìn bọn trẻ thật đáng thương! Quần áo không đủ ấm, nhiều hôm rét quá thầy trò ở bản Sậy phải đốt lửa sưởi ngay giữa phòng học, vừa ấm, vừa lấy ánh sáng để học bài”.
Chính vì vậy mà, theo thầy Thơ, chuyện các em bỏ học là rất bình thường, chưa kể khi mùa măng hay vụ rẫy, các em vào rẫy, lên rừng hái măng để phụ giúp gia đình. Cuộc sống khốn khó, càng khiến cho việc học của các em càng thêm khó khăn bội phần.
Ước mơ bình dị mà… xa vờiÔng Phạm Bá Kỳ, Phó trưởng bản Sậy, cho biết: bản Sậy có 79 hộ, với 365 nhân khẩu đều là người Mường, trong đó có 48 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo, đời sống của bà con hết sức khó khăn. Khi mới thành lập, mỗi lớp học chỉ lác đác vài học sinh, đến năm học 2018-2019, cả bản đã có 34 học sinh tiểu học. Do thiếu phòng học, lại chỉ có 2 giáo viên nên trường đành phải ghép: lớp 1 với lớp 2; lớp 3 lớp 4 và lớp 5 để thành 3 lớp học. Lớp học mà các em đang học hiện nay, là do nhà trường cùng với bà con dân bản dựng lên bằng tranh, tre, nứa, lá.
Là một trong những phụ huynh có con đang học ở nơi này, chị Lương Thị Khóe (bản Sậy), tâm sự: “Do cái đói, cái nghèo nên thế hệ chúng tôi đã thất học rồi, chỉ mong con cháu mình sau này được ăn học cho bằng chúng bạn. Trước kia, phải mượn gầm nhà sàn của bà con trong bản để học. Thương các con, mọi người kêu gọi nhau lên rừng lấy nguyên vật liệu về dựng lớp. Chúng tôi chỉ mong Nhà nước hay một tổ chức từ thiện nào đó chung tay giúp các cháu có được một phòng học đủ che nắng, che mưa là được rồi”, chị Khóe bộc bạch.
Khi hỏi về mong muốn của mình, em Hà Anh Khôi, học sinh lớp 4C, điểm trường Sậy nói: “Chúng em mong muốn có được một phòng học sạch sẽ, và một lần được ngồi trong phòng học có đầy đủ trang thiết bị dạy học như các bạn dưới xuôi thôi”.
Thầy Lê Thiên Thơ, cho hay: Trường Tiểu học Trung Thành có 279 học sinh nhưng phải chia thành 6 khu, 1 khu chính ở trung tâm xã và 5 khu lẻ ở 5 bản. “Do địa hình rừng núi phức tạp, giao thông đi lại khó khăn phải qua nhiều núi cao, suối sâu nên các bản ở xa trung tâm từ 4-10km học sinh cấp tiểu học không thể về điểm chính được. Vì vậy, chúng tôi cũng chỉ có thể dựng được phòng học bằng tranh tre, nứa lá cho con em học tập mà thôi. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Nhà nước cũng như các nhà hảo tâm, điểm trường chính đã khang trang kiên cố, nhưng các điểm trường bản Sậy vẫn phải tạm bợ tranh, tre, nứa, lá. Nhà trường đã nhiều lần đề nghị các cấp chính quyền quan tâm, ưu tiên đầu tư phòng học cho con em bản Sậy, nhưng ngân sách eo hẹp, nên đến nay khu lẻ ở đây vẫn chưa được đầu tư xây dựng.
Khó khăn chồng chất khó khăn, thế nhưng theo các thầy giáo, các em ở bản Sậy vẫn luôn nỗ lực cố gắng trong học tập. Hiện, toàn bản có 29 cháu mầm non, 34 học sinh tiểu học, 9 học sinh Trung học cơ sở. Năm học trước, đã có 4 học sinh tốt nghiệp THPT. Có thể nói, đây là con số đáng ghi nhận đối với một bản nghèo của vùng cao Quan Hóa.
Quỳnh Trâm