PV: Xin ông cho biết, Quảng Nam kỳ vọng gì từ Chương trình MTQG 1719 đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của người dân trên địa bàn, nhất là đối với người đồng bào DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn?
Ông A Lăng Mai: Chương trình MTQG 1719 là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Chương trình góp phần phát triển kinh tế - xã hội các xã, ấp đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng DTTS và phát huy nguồn lực của người dân. Qua đó, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, vùng DTTS; đời sống của người dân, nhất là đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, nâng lên.
Quảng Nam là tỉnh có 70 xã được hưởng các chính sách từ Chương trình MTQG 1719 theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ. Địa phương có 230 thôn được hưởng chính sách theo Quyết định 612 của Bộ trưởng Uỷ ban Dân tộc (UBDT). Như vậy, Quảng Nam là một trong những tỉnh có đối tượng được hưởng chính sách từ chương trình này tương đối lớn.
Đây là chương trình lớn nhất từ trước đến nay, dành cho đồng bào vùng DTTS và miền núi. Chương trình này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; làm nền móng, nền tảng cho việc xây dựng nông thôn mới, làm thay đổi bộ mặt đời sống ở vùng DTTS, miền núi. Đó là ý nghĩa lớn nhất của Chương trình MTQG 1719.
PV: Hiện nay, Quảng Nam đã và đang làm gì để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719?
Ông A Lăng Mai: Trước đó, Quảng Nam xây dựng Đề án trình UBDT và Trung ương. Đề án dự toán tổng kinh phí khoảng trên 3.000 tỷ đồng, trong đó riêng nguồn vốn từ Trung ương khoảng trên 2.000 tỷ đồng. Trong thời gian từ năm 2022-2023, Trung ương phân bổ nguồn vốn cho Quảng Nam là khoảng 1.200 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư chiếm trên 600 tỷ đồng, vốn sự nghiệp khoảng gần 600 tỷ đồng, bao gồm cả nguồn vốn Trung ương và nguồn vốn đối ứng của địa phương 15%.
Ngay từ khi có chủ trương này, năm 2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Các sở, ban, ngành liên quan được phân nhiệm vụ cụ thể. Riêng đối với các chương trình MTQG có triển khai cả ở vùng đồng bằng và miền núi thì do UBND tỉnh phụ trách. Sau khi được giao nhiệm vụ, Ban Dân tộc đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phân bổ kịp thời vốn trung hạn, vốn hằng năm. Riêng vốn đầu tư thì phân bổ luôn cùng nguồn vốn trung hạn 2021-2025, đối với vốn sự nghiệp thì phân bổ theo hằng năm.
Hiện nay, Quảng Nam đang khẩn trương triển khai các nguồn vốn được phân bổ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
PV: Xin ông cho biết, hiện nay việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh có những thuận lợi, khó khăn gì?
Trên địa bàn Quảng Nam, quá trình thực hiện Chương trình MTQG 1719 nhìn chung cơ bản thuận lợi. Thứ nhất, đây là chương trình lớn nên sự chỉ đạo của Chính phủ và UBDT cũng rất sâu sắc. Phía Trung ương cũng có rất nhiều văn bản hướng dẫn để thực hiện. Thứ hai, Tỉnh uỷ Quảng Nam, HĐND, UBND tỉnh Quảng Nam cũng có những sự chỉ đạo xuyên suốt, liên tục, cụ thể đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình. Các sở, ngành liên quan cũng đã phối hợp cùng với chính quyền các địa phương triển khai cụ thể từng tiểu dự án, từng dự án. Đối với nguồn vốn đầu tư, tính đến thời điểm này (10/2023) đã giải ngân được khoảng 50%. Vốn sự nghiệp đến nay đã giải ngân được trên 8%. Bước đầu, bà con Nhân dân địa phương đều rất phấn khởi, tích cực phối hợp với chính quyền, các đoàn thể để triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi cũng còn một số khó khăn. Đây là chương trình có nguồn vốn tương đối lớn, cách thức thực hiện cũng có những đặc thù riêng. Căn cứ vào quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đối với Chương trình này, thì có 10 dự án và các tiểu dự án kèm theo. Các văn bản của các Bộ, ban, ngành, Trung ương thì không cùng một lúc, có những văn bản ban hành rất chậm. Đơn cử như việc ban hành văn bản về chuyển đổi số đối và ứng dụng công nghệ thông tin đối với vùng đồng bào miền núi còn khá chậm. Tương tự, có một số văn bản hướng dẫn, thông tư từ phía Trung ương cũng chưa thật sự đồng bộ.
Không chỉ Quảng Nam, trong một số cuộc họp giao ban, nhiều địa phương cũng nêu lên một số vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc về nguồn vốn sự nghiệp, đề xuất các ý kiến lên Chính phủ cũng như UBDT có cơ chế, giải pháp tháo gỡ. Nhìn chung, không chỉ Quảng Nam mà hầu như nhiều địa phương khác cũng đang trong tình trạng giải ngân về nguồn vốn sự nghiệp thấp. Đối với nguồn vốn đầu tư, Quảng Nam hi vọng từ nay đến cuối năm sẽ giải ngân được khoảng hơn 90%.
PV: Quảng Nam có kiến nghị gì để tháo gỡ vướng mắc nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719?
Ông A Lăng Mai: Do đặc thù tình hình thực tế như vậy, Quảng Nam cũng đang kiến nghị cho chuyển nguồn từ năm 2023 sang năm 2024 để tiếp tục thực hiện. Theo đó, nếu được chuyển nguồn từ năm 2023 sang, cùng với nguồn của năm 2024, Quảng Nam sẽ bố trí để thực hiệu quả hơn đối với các dự án, tiểu dự án của Chương trình. Bởi, mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025 đặt ra yêu cầu là phấn đấu giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, giảm số hộ nghèo tối thiểu là 3%/năm, nên nếu nguồn vốn trả về Trung ương thì việc thực hiện cũng gặp khó khăn.
Trong thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết, phối hợp với các Sở, ngành chức năng và địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành các Quyết định, Kế hoạch và văn bản liên quan đến Chương trình; chủ động trong việc phối hợp và tham mưu Ban Chỉ đạo đề xuất các Bộ, ngành Trung ương giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình; kịp thời tham mưu phân bổ vốn để các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình và đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.
Đến nay, Chương trình đã góp phần tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh, về tỷ lệ giảm hộ nghèo DTTS vượt chỉ tiêu quy định của Chương trình. Cụ thể: Chỉ tiêu chương trình đề ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm trên 3%; kết quả thực hiện năm 2022 là 10,04%, đạt 334 %. Chương trình đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, nhất là các xã đặc biệt khó khăn. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng nên việc đi lại, khám chữa bệnh, học hành có nhiều thuận lợi hơn trước…