Tham gia đoàn có: Quốc vụ khanh, Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Dorte Dinger; các Nghị sĩ: Hubertus Heil, Bộ trưởng Lao động và Xã hội; Tobias Lindner, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao; Michael Kellner, Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu; Dorothee Bar, Phó Trưởng Đoàn nghị sĩ đảng CDU/CSU; Quốc vụ khanh Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Jochen Flasbarth; Đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam Guido Hildner; cùng lãnh đạo, đại diện các cơ quan thuộc chính phủ và doanh nghiệp lớn của Đức.
Trên nền quốc ca hai nước, 21 loạt đại bác rền vang từ Hoàng thành Thăng Long trong nghi thức chào đón cao nhất dành cho chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao.
Tại Lễ đón, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mời Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam và hai nhà lãnh đạo cùng chứng kiến phần diễu binh chào mừng của Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trước đó, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Đức đã tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám và đặt vòng hoa tưởng niệm tại Đài tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ.
Hai nước đã ký nhiều hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế, như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư; các hiệp định hàng hải, hàng không.
Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu (chiếm gần 20% xuất khẩu của ta sang EU) và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.
Hiện có hơn 350 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam; trong đó có một số tập đoàn đa quốc gia, như: Siemens (thiết bị, y tế), B.Braun (thiết bị y tế), Messer (khí hóa lỏng phục vụ luyện kim), Mercedes-Benz (ô-tô), Bilfinger (tư vấn, thiết kế), Bosch (chế tạo máy), Deutsche Bank (ngân hàng), Allianz (bảo hiểm)...
Tính đến tháng 5/2023, Đức có 444 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 2,36 tỷ USD, đứng thứ 4/24 trong EU và thứ 18/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam có 11 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Đức với tổng vốn đầu tư và qua điều chỉnh đạt hơn 30,95 triệu USD, trong đó đáng chú ý là dự án Chi nhánh Vietinbank tại Đức (7,5 triệu USD); dự án mua và sửa chữa bất động sản làm trụ sở Ngân hàng Công thương (2,117 triệu USD)…
Từ tháng 7/2015, Việt Nam đã đơn phương miễn thị thực 15 ngày cho du khách Đức và từ ngày 15/8/2023, Việt Nam đã miễn thị thực cho công dân Đức đi du lịch Việt Nam trong thời gian 45 ngày. Đức là một trong 10 thị trường có mức chi tiêu lớn nhất của Du lịch Việt Nam.
Cộng đồng Việt Nam ở Đức hiện có gần 200.000 người, sinh sống rộng khắp trên toàn lãnh thổ Đức. Nhìn chung, kiều bào ở Đức có cuộc sống tương đối ổn định, đa số theo diện làm công ăn lương hoặc buôn bán nhỏ.
Ngay sau Lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã Hội đàm với Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier; hai nhà lãnh đạo sẽ Chứng kiến Lễ ký, trao đổi các văn kiện hợp tác và gặp mặt báo chí…
Quan hệ hợp tác về giáo dục và đào tạo với Cộng hòa Liên bang Đức được bắt đầu từ năm 1990. Hằng năm, Đức cung cấp cho Việt Nam nhiều học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Hiện có khoảng 300 nghiên cứu sinh Việt Nam nhận học bổng nghiên cứu tại Đức và khoảng 7.500 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Đức. Dự án “hải đăng” của hai nước trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo là Trường Đại học Việt Đức, được thành lập từ tháng 9/2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh.