Cùng tham dự có ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, cùng các đồng chí nguyên Chủ tịch nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và các đổng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo Ban, Bộ ngành, các cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Về phía lãnh đạo TP. Cần Thơ có ông Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ và Các đồng chí Thường trực Thành ủy Cần Thơ; Quý Mẹ Việt Nam Anh hùng, các tướng lĩnh, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, các đồng chí lão thành cách mạng. Các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và TP. Cần Thơ qua các nhiệm kỳ.
Kỷ niệm 20 năm thành lập và trực thuộc Trung ương là sự kiện chính trị quan trọng của TP. Cần Thơ, là dấu mốc quan trọng trong thực hiện định hướng phát triển TP. Cần Thơ trở thành trung tâm động lực, đồ thị hạt nhân của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Qua 20 năm xây dựng và phát triển, TP. Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2011-2023 ước tăng bình quân 5,87%; trong đó, năm 2023, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (giá hiện hành) ước đạt 118.000 tỉ đồng, tăng gấp 10,2 lần so với năm 2004; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại, dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh từng bước được cải thiện. Tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn đứng đầu trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đứng thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương, sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) năm 2023 đạt 94,7 triệu đồng, gấp 9,2 lần so với năm 2004 (khoảng 4.000 USD/người/năm), góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thành phố. Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của Cần Thơ cũng tăng đáng kể, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 4.088 tỉ đồng năm 2004 lên 22.000 tỉ đồng năm 2020 và năm 2023 ước đạt 30.913 tỉ đồng, tăng bình quân 11,24%/năm.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đặc biệt, hệ thống hạ tầng giao thông ở TP. Cần Thơ cũng đang dần hoàn thiện đưa thành phố trở thành đầu mối quan trọng về giao thông vận tải vùng và liên vận quốc tế, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của thành phố trung tâm vùng ĐBSCL.
20 năm qua, TP. Cần Thơ cũng đã từng bước khẳng định vai trò trung tâm vùng về văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, toàn thành phố có 36/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn 0,21%, ở mức thấp nhất vùng ĐBSCL và thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng những thành tựu to lớn mà TP. Cần Thơ đạt được trong 20 năm qua khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước về phát triển thành phố; là sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành trung ương, các tỉnh, thành bạn; sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của các cấp, các ngành và nhân dân thành phố để diện mạo thành phố từ nội đến ngoại thành có nhiều thay đổi, sạch hơn, sáng hơn, đẹp hơn, đời sống người dân khá hơn, vui hơn, tầm nhìn xa hơn và khát vọng cao hơn. Đây là nền tảng quan trọng, tạo đà cho Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới, xứng đáng là thành phố trung tâm, động lực của vùng ĐBSCL, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Để thành phố trở thành trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL, Chủ tịch nước nêu một số gợi mở cho thành phố.
Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và mỗi người dân thành phố cần nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Cần Thơ trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh đối với cả vùng ĐBSCL và của đất nước; thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của trung ương đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố.
Thứ hai, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ xanh, sạch, công nghệ tái tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… tạo ra năng lực sản xuất mới, giá trị hàng hóa, dịch vụ gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Thứ ba, là đô thị sông nước, bên sông và gần biển, địa hình thấp, TP. Cần Thơ chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đảng bộ và Nhân dân Cần Thơ phải đặc biệt coi trọng công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động có giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp từ trong quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, các công trình phục vụ đời sống dân sinh, thay đổi cách sản xuất cho phù hợp với biến đổi khí hậu.
Thứ tư, với vị trí quan trọng của thành phố trong vùng ĐBSCL, Cần Thơ phải không ngừng tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tập trung giải quyết hiệu quả những vấn đề an ninh phức tạp ngay từ cơ sở, không để hình thành "điểm nóng", bảo đảm môi trường an toàn, ổn định nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội.
Thứ năm, các cấp ủy, tổ chức đảng của thành phố phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, bảo đảm các tổ chức đảng, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh, bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ công chức liêm chính, sâu sát cơ sở, hiểu dân, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân...
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Cần Thơ, ghi nhận thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.