9 tháng năm 2022, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đều vượt dự toán
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025. Theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước bằng 94% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 88,9% dự toán, thu dầu thô đạt 113% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán. Đánh giá cả năm thu ngân sách ước tăng 14,3% so với dự toán. Tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước đạt 17,2% GDP, từ thuế, phí đạt 13,9% GDP, trong đó thu nội địa đạt 9,8%, thu dầu thô vượt 141%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 23,6%.
Về chi ngân sách, ước thực hiện hết tháng 9 đạt 60,9% dự toán, trong đó chi đầu tư, phát triển đạt 48,1% dự toán. Đánh giá cả năm, chi ngân sách nhà nước bằng 114,1% dự toán, trong đó giải quyết vốn đầu tư công ước đạt 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Chi trả nợ lãi đạt 96,1%, chi thường xuyên đạt 100,7% dự toán. Đến hết tháng 9/2022, đã sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương chủ yếu là để bổ trợ cho các địa phương chi phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân. Số dự phòng còn lại tiếp tục ưu tiên cho các công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, hỗ trợ người dân và các nhiệm vụ cấp bách khác trong các tháng cuối năm.
Về Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tỷ trọng chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách đảm bảo bám sát mục tiêu kế hoạch tài chính 5 năm, đảm bảo thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng như: kinh phí đảm bảo cho quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế, xã hội; cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển khác.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025. Theo đó, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đồng tình với báo cáo của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị lưu ý một số vấn đề như công tác dự trong xây dựng dự toán; đánh giá kỹ vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, cơ cấu tăng thu NSNN vẫn chưa vững chắc, tỷ trọng tăng thu từ đất còn lớn; thu ngân sách địa phương không đồng đều giữa các địa phương, nhiều địa phương ước không đạt dự toán; tồn tại bất cập trong phân cấp nguồn thu giữa trung ương và địa phương…
Phòng, chống rửa tiền, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan
Tại phiên họp,Quốc hội đã nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) được bố cục gồm 4 Chương, 65 Điều. Phạm vi điều chỉnh, về cơ bản dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, theo đó phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế trong phòng, chống rửa tiền.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) cũng quy định việc Phòng, chống rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Tờ trình của Chính phủ cũng nêu một số nội dung sửa đổi liên quan đến quy định về nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng; về trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ và báo cáo, cung cấp, lưu trữ hồ sơ, thông tin về phòng, chống rửa tiền. Về thực hiện thu thập, xử lý, phân tích, trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền và áp dụng các biện pháp tạm thời, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền trong nước, cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung tại dự thảo Luật về các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập dữ liệu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng với các luật có liên quan, như Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV...
Phát triển thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thành trung tâm KT-XH của Tây Nguyên
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị loại I mang những đặc trưng cơ bản của một đô thị trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa và có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và cả nước.
Tuy nhiên, thành phố Buôn Ma Thuột phát triển kinh tế chưa tương xứng với vị trí, tiềm năng, lợi thế; thiếu sự kết nối trong phát triển giữa các ngành theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao; kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ; huy động nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Buôn Ma Thuột chưa đạt yêu cầu đề ra. Thành phố Buôn Ma Thuột chưa thực sự đóng vai trò là đô thị trung tâm của vùng Tây Nguyên, chưa trở thành cực tăng trưởng có tác động lan tỏa tới các tỉnh trong Vùng.
Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67-KL/TW Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 67-KL/TW, phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững; phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.
Đánh giá chung về nội dung Dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, đây là trường hợp đặc biệt khi lần đầu trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho một đơn vị cấp huyện. Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của thành phố Buôn Ma Thuột đối với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nguyên. Đa số ý kiến tán thành về mặt chủ trương ban hành Nghị quyết.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu một số cơ chế đặc thù phù hợp, tạo động lực phát triển vùng Tây Nguyên, trong đó lưu ý đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng sạch; phát triển chuỗi giá trị sản phẩm đối với một số cây trồng đặc thù; Ưu đãi đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ theo hướng xanh, sinh thái, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là y tế, giáo dục.