Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 90% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) trong những năm gần đây liên quan đến học sinh, ở độ tuổi 16 - 18, đối tượng chủ yếu đang sử dụng xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3, xe đạp điện. Có 70% số vụ TNGT thương vong là do học sinh THCS đi đạp điện, xe máy điện gây ra. Ngoài ra, hiện nay có trên 50% học sinh THPT đến trường bằng xe đạp điện, xe máy điện, thậm chí cả xe máy nhưng các em lại không có giấy phép lái xe. Điều này cũng đồng nghĩa các em chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe, kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để tham gia giao thông an toàn.
Có mặt tại các cổng trường THCS và THPT, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, chạy xe lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, dàn hàng ngang trên đường, điều khiển xe đạp điện, xe máy điện đi ngược chiều, đeo tai nghe... Gặp những tình huống như vậy, nếu không quan sát và xử lý kịp thời thì có thể xảy ra TNGT bất cứ khi nào.
Mới học lớp 8 nhưng Trần Lê Vũ, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội đã được mẹ mua xe đạp điện để đi học. Theo chị Thủy (mẹ của Vũ) xe đạp điện thuận tiện cho Vũ đi lại và đưa đón cả em gái đi học.
Bố mẹ bận bịu không có thời gian, nên khi đi học về Vũ sẽ chở em gái đang học trường mầm non bên cạnh về nhà giúp bố mẹ.
Không chỉ riêng gia đình chị Thủy trang bị xe đạp điện cho con. Hàng xóm, bạn bè của Vũ nhiều bạn cũng được bố mẹ mua xe đạp điện để đi học.
Mới đây, trường hợp bệnh nhân Anh Tuấn (16 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) phải nhập viện mổ cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Nguyên nhân là do Anh Tuấn điều khiển xe đạp điện chở em gái 12 tuổi.Trên đường đi va quệt với xe máy đi cùng chiều. Kết quả, 2 anh em Anh Tuấn bị ngã ra đường, em gái ngồi sau bị chấn thương phần mềm còn Anh Tuấn bị dập mu bàn chân và đứt 2 gân máu chảy nhiều, phải vào Bệnh viện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) mổ cấp cứu để nối gân.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân bị TNGT do xe đạp điện trong đó có nhiều trường hợp là trẻ em.
Trường hợp của em N.H.V. (14 tuổi, Bắc Ninh) đi xe đạp điện đi học. Khi đi xe đạp điện V. đi hàng hai cùng bạn, vừa đi vừa nô đùa khiến hai xe mắc vào nhau nên bị ngã và V. bị xe ô tô tải trở sắt, vật liệu xây dựng đi phía sau lao vào người. Ngay sau đó em V. được đưa lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu.
Ts.Bs. Hoàng Ngọc Sơn - Khoa phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức cho biết, bản thân anh cũng hay tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân là trẻ em bị tai nạn khi điều khiển xe đạp điện. Thậm chí, có trẻ đã tử vong vì tai nạn từ phương tiện này.
Xe đạp điện được xem là phương tiện phù hợp vì vận tốc đạt khoảng 20 - 30 km/h tăng tốc sẽ đạt 40 km/h. Xe được nhiều gia đình mua cho con đi học. Tuy nhiên, loại phương tiện này có thể gây tai nạn cho phương tiện khác, hoặc chính các em điều khiển không làm chủ được tốc độ cũng có thể gây tai nạn cho người khác.
Khi bị tai nạn do xe đạp điện mặc dù tỷ lệ chấn thương sọ não thấp hơn xe gắn máy nhưng trẻ bị chấn thương sọ não cũng ảnh hưởng tới thể lực và trí lực của trẻ trong tương lai. Đặc điểm, xe đạp điện tốc độ không bằng xe máy, nhiều trẻ chủ quan không đội mũ bảo hiểm dẫn tới khi có tai nạn xảy ra thì tương tích vùng đầu của trẻ cũng bị ảnh hưởng.
Bác sĩ Hoàng Ngọc Sơn cho rằng, ngoài cho con sử dụng xe đạp điện khi đã đủ tuổi, cha mẹ và nhà trường nên giáo dục con sử dụng xe đạp điện an toàn. Đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện. Nhà trường cần có các buổi tuyên truyền cho học sinh về Luật An toàn giao thông khi tham gia giao thông đặc biệt là trẻ điều khiển xe đạp điện.
Để giảm thiểu TNGT liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện cần sự quan tâm, vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, các ngành chức năng và toàn xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn phải xuất phát từ ý thức của mỗi người tham gia giao thông.